OCOP - Những tín hiệu vui

07:48, 14/08/2021

Tháng 6 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên có 2 sản phẩm gồm: Chè tôm nõn của Hợp tác xã (HTX) chè Hảo Đạt (ở xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên) và miến Việt Cường của HTX miến Việt Cường (ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ) được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt, phân hạng đạt 5 sao trong Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) cấp Quốc gia năm 2020. Kết quả này không chỉ là sự nỗ lực của các đơn vị trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản mà còn là tín hiệu vui, tạo tiền đề để các sản phẩm OCOP khác của Thái Nguyên tiếp tục phát triển.

Anh Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX miến Việt Cường cho hay: Tiêu chuẩn 5 sao OCOP quốc gia yêu cầu sản phẩm phải đạt 4 sao cấp tỉnh, có tính đặc sắc bản địa, chủ thể gắn bó với cộng đồng địa phương, có sự đầu tư mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình quản lý tiên tiến, tiếp cận thị trường quốc tế… Để đạt được điều này, thời gian qua, HTX miến Việt Cường đã tranh thủ các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư mở rộng nhà xưởng, nâng cao chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì… 

Sau khi có sản phẩm được phân hạng 5 sao OCOP Quốc gia, mới đây, HTX chúng tôi đã ký kết hợp đồng với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để trưng bày, tiêu thụ sản phẩm tại 63 tỉnh, thành trong cả nước; hệ thống siêu thị Aeon Mall cũng đã nhập đơn hàng trị giá gần 200 triệu đồng. Sắp tới, chúng tôi định hướng ký kết hợp đồng với siêu thị Lotteria (Hà Nội).

Cũng trải qua các bước đánh giá nghiêm ngặt của Hội đồng OCOP Quốc gia, sản phẩm Chè tôm nõn của HTX chè Đảo Đạt đã lọt top 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn để trao chứng nhận sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia năm 2020. Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt cho biết: Trước đây, chúng tôi chỉ quan tâm đến việc làm sao để có sản phẩm tốt, tiêu thụ được nhiều, chưa chú trọng sâu đến việc xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh. 

HTX miến Việt Cường đầu tư xây dựng, mở rộng diện tích xưởng, đưa các loại máy móc vào khâu sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Từ khi tham gia vào Chương trình OCOP, tôi đã từng bước cải tiến mẫu mã, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư nhãn mác, bao bì để đem đến khách hàng những sản phẩm chất lượng và đẹp mắt. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận OCOP 5 sao, HTX đang đẩy mạnh việc đưa sản phẩm tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, để khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện Đề án OCOP giai đoạn 2019-2025 với kinh phí dự kiến trên 700 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh là hơn 70 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã hơn 60 tỷ đồng, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cho Chương trình trên 240 tỷ đồng và vốn xã hội hóa hơn 360 tỷ đồng.

Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện cơ chế hỗ trợ các đơn vị kinh phí thiết kế logo, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng dữ liệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ sản phẩm OCOP đạt 3 sao với mức 20 triệu đồng/sản phẩm, đạt 4 sao được hỗ trợ 30 triệu đồng/sản phẩm và đạt 5 sao được hỗ trợ 40 triệu đồng/sản phẩm; lắp đặt 20 biển giới thiệu sản phẩm OCOP tại các huyện, thành, thị; tổ chức ngày hội trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản tiêu biểu… Tính từ năm 2019 đến nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã đánh giá và xếp hạng cho 76 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3-4 sao.

Theo ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh: Việc 2 sản phẩm chè tôm nõn của HTX chè Hảo Đạt và miến Việt Cường của HTX miến Việt Cường được công nhận đạt 5 sao không chỉ khẳng định chất lượng, thương hiệu của sản phẩm được nâng tầm quốc gia mà còn mở ra cơ hội tiêu thụ tốt sản phẩm ở thị trường trong nước, đồng thời hướng đến xuất khẩu… 

Để nâng hạng các sản phẩm OCOP của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 120 sản phẩm OCOP được chứng nhận, trong đó có ít nhất 6 sản phẩm được phân hạng 5 sao, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tích cực hỗ trợ địa phương đào tạo nguồn nhân lực OCOP, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các nội dung, chính sách hỗ trợ, cách thức thực hiện Chương trình OCOP tới tất cả các chủ thể; phát triển liên kết tiêu thụ sản phẩm, tổ chức sản xuất, đăng ký, bảo hộ, giới thiệu sản phẩm OCOP và xúc tiến thương mại, hướng dẫn các thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm và hỗ trợ đăng ký công bố chất lượng sản phẩm…