Thái Nguyên thuộc nhóm 6/63 địa phương có thu nhập bình quân tháng của người lao động trong doanh nghiệp giai đoạn 2016-2019 trên 9,0 triệu đồng.
Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2021, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có thu nhập bình quân người lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động, có kết quả sản xuất kinh doanh cao nhất cả nước với 11,5 triệu đồng/tháng/người. Đứng thứ hai là T.P Hồ Chí Minh với 10,8 triệu đồng/tháng/người và theo sau là Hà Nội với 10,5 triệu đồng/tháng/người.
Các địa phương các có mức thu nhập bình quân lao động trong doanh nghiệp cao hơn trung bình cả nước (9,3 triệu đồng/tháng/người) là Quảng Ninh (10,1 triệu đồng/tháng/người), Đồng Nai và Bắc Ninh (10 triệu đồng/tháng/người), Bình Dương (9,5 triệu đồng/tháng/người) và Thái Nguyên (9,4 triệu đồng/tháng/người).
Hai địa phương còn lại trong top 10 là Lào Cai (9 triệu đồng/tháng/người) và Vĩnh Phúc (8,8 triệu đồng/tháng/người).
Theo báo cáo, có 6/63 địa phương có thu nhập bình quân tháng của người lao động trong doanh nghiệp giai đoạn 2016-2019 trên 9,0 triệu đồng.
Đồng thời, cũng có 4/63 địa phương có thu nhập bình quân tháng của người lao động bình quân giai đoạn 2016-2019 dưới 5,0 triệu đồng/tháng/người, gồm: Điện Biên 4,5 triệu đồng/tháng/người; Sơn La 4,7 triệu đồng/tháng/người; Đắk Lắk 4,7 triệu đồng/tháng/người; Bạc Liêu gần 5,0 triệu đồng/tháng/người.
Có 53/63 địa phương có thu nhập bình quân tháng của người lao động bình quân giai đoạn 2016-2019 trong khoảng từ 5 triệu đồng/tháng/người đến 9 triệu đồng/tháng/người.
Cũng theo báo cáo, giai đoạn 2016-2019 so với giai đoạn 2011-2015, thu nhập bình quân tháng của người lao động khu vực dịch vụ đạt cao nhất với 9,7 triệu đồng, tăng 43,2%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 7,9 triệu đồng, tăng 45,4% (trong đó thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp ngành sản xuất và phân phối điện đạt cao nhất với 16,3 triệu đồng); doanh nghiệp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5,3 triệu đồng, tăng 8,2%. Theo loại hình doanh nghiệp:
Giai đoạn 2016-2019 so với giai đoạn 2011-2015, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt cao nhất với 12,4 triệu đồng (trong đó, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đạt 12,0 triệu đồng), tăng 39,7%; khu vực doanh nghiệp FDI đạt 9,4 triệu đồng, tăng 42,8%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 7,5 triệu đồng, tăng 52,5%. 56
Theo quy mô doanh nghiệp: Khu vực doanh nghiệp có quy mô lớn giai đoạn 2016-2019 có thu nhập bình quân tháng của một lao động cao nhất đạt 9,3 triệu đồng, tăng 41,1% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; khu vực doanh nghiệp có quy mô vừa đạt 8,1 triệu đồng, tăng 48,6%; khu vực doanh nghiệp có quy mô nhỏ đạt 7,3 triệu đồng, tăng 52,9%; khu vực doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ có thu nhập bình quân thấp nhất với 6,3 triệu đồng, tăng 49,7% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.
Thu nhập của lao động ở đây được định nghĩa là tổng các khoản người lao động nhận được do tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thu nhập của người lao động bao gồm: Tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp, thu nhập khác có tính chất như lương gồm: Tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp và tiền thưởng trong lương; các khoản phụ cấp và thu nhập khác của người lao động được hạch toán vào chi phí và giá thành sản phẩm.
Các khoản thu nhập khác không tính vào chi phí sản xuất kinh doanh: Các khoản chi trực tiếp cho người lao động nhưng không hạch toán vào chi phí sản xuất có nguồn chi lấy từ quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, lợi nhuận của chủ doanh nghiệp...