Tìm hướng đi bền vững cho cây dược liệu

07:37, 24/08/2021

Với điều kiện phù hợp về thổ nhưỡng, khí hậu, Thái Nguyên có tiềm năng để phát triển cây dược liệu. Nhằm bảo tồn, phát triển các loại thuốc quý, đem lại giá trị kinh tế cao, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân mở rộng diện tích trồng, chăm sóc và chế biến dược liệu.

Công ty CP Sản phẩm thiên nhiên DK ở xóm Đồng Phủ 2, xã Yên Ninh (Phú Lương) là đơn vị tiên phong trong sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dây thìa canh. Ngoài diện tích sản xuất 5ha, Công ty còn liên kết với 7 hộ dân trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm cho bà con với giá 8 nghìn đồng/kg cành, lá dây thìa canh. 

Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Khắc Cần, Giám đốc Công ty cho biết: Thìa canh là loại cây có công dụng điều trị bệnh tiểu đường. Vì thế, chúng tôi đã nghiên cứu, sản xuất ra các loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu đa dạng của khách hàng, như: Trà túi lọc, dây thìa canh khô, cao, cốm… theo tiêu chuẩn GACP WHO. Hiện nay, Công ty đã ký hợp đồng liên kết với Công ty CP Dược Khoa (Hà Nội) nên không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Trung bình mỗi năm, Công ty đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với mức thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/người/tháng.  

Đối với Công ty TNHH Cây dược liệu La Hiên, ở xóm Làng Lai, xã La Hiên (Võ Nhai), thời gian qua, đơn vị đã tập trung nghiên cứu, sản xuất ra các loại thuốc chữa bệnh ho, dạ dày, xương khớp, sỏi thận... từ cây dược liệu. Anh Dương Trung Hiếu, Giám đốc Công ty nói: Nhận thấy trên địa bàn có nhiều cây dược liệu quý, năm 2016, chúng tôi đã thành lập công ty trồng, chế biến các loại cây dược liệu với diện tích hơn 5ha. Ngoài ra, Công ty còn liên kết với các hộ dân ở 6 tỉnh miền núi phía Bắc để xây dựng vùng nguyên liệu đa dạng về chủng loại nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của Công ty.

Theo thống kê, tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 1.000 loại cây thuốc, trong đó, có nhiều dược liệu có thế mạnh như: Ba kích, cát sâm… Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình trồng các loại dược liệu: Cát sâm, đinh lăng, ba kích, khôi nhung, sạ đen, nghệ, giảo cổ lam, sa nhân, sâm bố chính… Qua đó, vừa khai thác cây dược liệu theo hướng bền vững, vừa tạo sinh kế cho người dân.

Có thể kể tên một số dự án, mô hình phát triển cây dược liệu đã được triển khai hiệu quả ở các địa phương như: Liên kết trồng, chế biến các sản phẩm từ cây đinh lăng của Hợp tác xã dịch vụ Hoa Trung, ở tổ dân phố Phúc Long, phường Bắc Sơn (T.X Phổ Yên); trồng, chế biến tinh bột nghệ của Hợp tác xã nông nghiệp và dược liệu Tiền Nguyên, ở xã Tân Linh (Đại Từ); trồng, chế biến trà giảo cổ lam 5 lá của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất dược thảo Hoà Bình, ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai)…

Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình nổi bật, việc trồng và sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển lâu dài. Trao đổi với chúng tôi về nội dung này, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT thông tin: Đơn vị đang phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển dược liệu tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Theo đó, tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư trồng, phát triển và chế biến sản phẩm từ những loại cây dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng. Từ đó, góp phần khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực này.