Không còn “bờ xôi ruộng mật” là cách nói hình ảnh của đồng chí Bí thư Huyện ủy huyện Đồng Hỷ Ngô Xuân Hải với chúng tôi khi nhắc đến thời điểm huyện thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính (tháng 10 - 2017).
Khi ấy, 3 xã, thị trấn trung tâm và phát triển hơn cả của huyện là thị Chùa Hang, 2 xã Linh Sơn và Huống Thượng của huyện được sáp nhập vào T.P Thái Nguyên. Từ 18 xã, thị trấn, Đồng Hỷ còn lại 15. Khó có thể diễn tả hết những “thiếu hụt” của Đồng Hỷ khi ấy. Thế nhưng, bằng nhiều giải pháp, trong đó có sức mạnh nội sinh, Đồng Hỷ đã khiến những khó khăn buổi ban đầu trở thành “bệ phóng” cho sự phát triển bền vững sau này.
Một buổi sáng chớm Thu, trong căn phòng làm việc tại trụ sở Huyện ủy Đồng Hỷ mới được xây dựng còn phảng phất mùi vôi mới, đồng chí Ngô Xuân Hải đã dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện khá thú vị xoay quay cái “mất” và cái “được” từ sự kiện điều chỉnh địa giới ấy.
Nhắc lại thời điểm 3 địa phương của Đồng Hỷ được điều chỉnh về T.P Thái Nguyên. Trong đó, thị trấn Chùa Hang - huyện lỵ Đồng Hỷ cũng được cắt về sáp nhập vào trung tâm tỉnh lỵ, đồng chí Bí thư Huyện ủy chia sẻ: Khó khăn khi ấy thì nhiều lắm! Khó khăn đầu tiên huyện gặp phải chính là việc phải đưa ra quyết định thay đổi hay giữ nguyên các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24 (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Bởi, các nghị quyết được xây dựng từ đầu nhiệm kỳ và các chỉ tiêu đặt ra dựa trên cơ sở nguồn lực và sự đóng góp của 18 xã, thị trấn. Giờ chỉ còn lại 15 đơn vị, liệu có “gánh vác” được nhiệm vụ của cả 18 đơn vị hay không.
Đồng chí Ngô Xuân Hải, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ: “Huyện đã phát huy nguồn lực bằng cách thu đúng, thu đủ, khai thác, nuôi dưỡng các nguồn thu bên cạnh sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong đầu tư xây dựng và trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của huyện.” |
Sự điều chỉnh này kéo theo huyện phải di chuyển hàng loạt các cơ quan hành chính. Cho đến nay, ngoài trụ sở làm việc mới của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện đã đưa vào sử dụng, chỉ có 3 cơ quan hành chính khác chuyển lên khu hành chính mới, gồm: Chi cục Thống kê, Kho bạc Nhà nước huyện và Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Các cơ quan như trụ sở: Tòa án nhân dân huyện, Công an huyện, Quản lý thị trường đã hoàn tất thủ tục đầu tư, đang triển khai xây dựng.
Nhiều cơ quan khác hiện mới đang trong quá trình xin chủ trương đầu tư trụ sở. Cùng thời điểm đó, đầu tư công giảm, một loạt trụ sở các cơ quan khác của huyện chưa có điều kiện xây dựng như: Bệnh viện huyện, trường cấp 3, Trung tâm Chính trị, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện.
Chắc hẳn những khó khăn chưa dừng ở đó? Tôi sốt sắng:
Đúng vậy, trước điều chỉnh địa giới, huyện Đồng Hỷ có đô thị trung tâm là thị trấn Chùa Hang, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của đô thị loại IV. Nay Chùa Hang đã trở thành phường của T.P Thái Nguyên. Đồng Hỷ hiện nay chưa xây dựng được đô thị trung tâm thay thế. Các thiết chế văn hóa trước đây tập trung chủ yếu ở các khu vực đã chuyển đi cũng là khó khăn rất lớn của huyện sau điều chỉnh.
Cộng thêm, nguồn lực đầu tư suy giảm. Trước đây sự đóng góp của thị trấn Chùa Hang và 2 xã Linh Sơn, Huống Thượng chiếm đáng kể trong cơ cấu kinh tế chung của huyện. Đặc biệt là thị trấn Chùa Hang với các hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển nhất huyện. Nay nguồn lực ấy đã mất đi, trong khi yêu cầu đặt ra là cần xây dựng một trung tâm mới của huyện. Chưa kể, huyện Đồng Hỷ đã trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính và xây dựng trụ sở, phần nào cũng tác động tới tâm tư tình cảm của cán bộ đảng viên và nhân dân trên địa bàn.
Đứng trước hàng loạt khó khăn như vậy nhưng huyện vẫn quyết định giữ nguyên các tiêu chí đặt ra từ đầu nhiệm kỳ và kết quả là đã đi qua một nhiệm kỳ (2015 - 2020) với các chỉ tiêu đều hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Bí quyết nào khiến huyện có được “trái ngọt” ấy?
Các cụ ta vẫn nói “trong cái khó sẽ ló cái khôn”. Tôi nghĩ điều ấy đúng với hoàn cảnh của huyện Đồng Hỷ khi đó. Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ, sau khi đánh giá một cách toàn diện những khó khăn, thách thức, những cơ hội và tiềm năng. Với quyết tâm rất cao, huyện quyết định không điều chỉnh giảm các chỉ tiêu của nhiệm kỳ. Hướng đi đã quyết thì phải bằng mọi cách vượt qua khó khăn, thách thức mà thôi. Trên cơ sở là tìm tòi, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện vào những khâu còn yếu.
Phát triển kinh tế đồi rừng, chế biến các sản phẩm từ rừng mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân huyện Đồng Hỷ.
Ví dụ như trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chúng tôi phải rà soát lại từng vấn đề, từng chỉ tiêu một để xem dư địa của nó còn có thể phát triển đến mức nào và tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo vào đó. Cứ như vậy, nhiều kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đạt được vượt xa cả những dự tính ban đầu.
Có lẽ quan điểm nếu chưa gặp khó khăn sẽ chưa biết mình mạnh đến cỡ nào, đúng trong trường hợp này của huyện Đồng Hỷ?
Mỉm cười, đồng chí Bí thư Huyện ủy thận trọng: Tinh thần đoàn kết, khao khát bứt phá và quyết tâm chính trị của huyện rất lớn nhưng khó khăn của huyện trước mắt còn nhiều.
Phát huy được nội lực và tranh thủ được ngoại lực, 2 yếu tố ấy luôn tạo ra công thức thành công. Chắc hẳn, Đồng Hỷ cũng không bỏ qua điều đó?
Không sai, huyện đã phát huy nguồn lực bằng cách thu đúng, thu đủ, khai thác, nuôi dưỡng các nguồn thu bên cạnh sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong đầu tư xây dựng và trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của huyện. Sau khi tổ chức xong Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ mới, huyện đã xây dựng một số chương trình, đề án, dự án và một số nghị quyết cho định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2025. Cụ thể như Đề án phát triển nông nghiệp của huyện; Nghị quyết về xây dựng huyện Đồng Hỷ thành huyện nông thôn mới vào 2025; Nghị quyết về tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng của khu hành chính và xây dựng đô thị Hóa Thượng thành đô thị loại IV vào năm 2025. Chương trình hành động về chuyển đổi số…
Trên tinh thần các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra, chúng tôi đã báo cáo, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh.
Trung tâm xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ (ảnh: Mạnh Hùng).
Sự hồ hởi, quyết tâm hiện rõ trên từng nét mặt, Bí thư Huyện ủy Ngô Xuân Hải vui mừng thông tin: Nằm trong chương trình đầu tư công 2021 - 2025 của tỉnh, công trình đường vành đai I sẽ chạy qua địa phận huyện Đồng Hỷ. Đây sẽ là cơ hội tốt để huyện khai thác các quỹ đất khoảng 1.200 ha nằm trên tuyến đường này. Qua đó có thể giúp huyện tăng thu ngân sách, tạo nguồn lực đầu tư các hạ tầng khác trong xây dựng NTM và đô thị Hóa Thượng.
Tuyến đường tránh này dự kiến có chiều dài khoảng 5km, chạy từ đầu cầu Linh Nham qua nhiều xã của huyện Đồng Hỷ còn giúp địa phương có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào địa bàn.
Đó là những dự liệu trong tương lai gần. Nhưng cũng không phải chờ cho đến lúc ấy Đồng Hỷ mới “chạy đà” mà ngay ở thời điểm hiện tại, huyện đã thu hút được không ít các dự án ngoài ngân sách. Dự án chăn nuôi gà, lợn công nghệ cao kết hợp trồng cây ăn quả và sản xuất phân bón vi sinh tại xã Minh Lập đang được triển khai; Khu du lịch văn hóa sinh thái Đá Thiên (TT Trại Cau) sau hàng loạt các vướng mắc, chậm nhất khoảng 1 tháng nữa sẽ khởi công hạng mục đầu tiên. Dự án xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm trà Kombucha tại xã Hóa Trung đang được xúc tiến… Cùng với đó, huyện đồng thời đang triển khai 9 dự án khu đô thị, điểm dân cư nông thôn với quy mô từ 40 - 80 ha.