Đó là khẳng định của đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và bàn giải pháp để phục hồi sản xuất cho các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại các khu: Công nghiệp, kinh tế, chế xuất, công nghệ cao (CNC) và cụm công nghiệp (CCN) được tổ chức ngày 20-9.
Dự tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và DN lớn trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 8, cả nước có 397 KCN được thành lập; 291 KCN đi vào hoạt động; 106 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, nước ta có 18 khu kinh tế (KKT) ven biển, 3 khu CNC và 968 CCN được thành lập… thu hút gần 430 dự án (DA) đầu tư nước ngoài mới, 517 DA tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,1 tỷ USD. Còn đối với đầu tư trong nước, các khu này cũng thu hút 432 DA mới và 153 DA tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 154.000 tỷ đồng.
Tại tỉnh Thái Nguyên, địa phương đang có 7 KCN (diện tích gần 2.400ha) thì 5/7 khu đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 61% diện tích; 262 DA được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực trong các KCN, trong đó 130 DA FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 9.000 triệu USD và 132 DA DDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 17.000 tỷ đồng…
Những năm gần đây, Thái Nguyên luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN phát triển. Nhờ đó, đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020 như: Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 10,48%/năm; thu ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt gần 16.000 tỷ đồng (tăng gấp 2,1 lần so với đầu nhiệm kỳ); GRDP bình quân đầu người đạt gần 90 triệu đồng (tăng 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ); giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt trên 783.000 tỷ đồng (đứng thứ 4 toàn quốc)…
Cũng tại Hội nghị, các địa phương và DN sản xuất đã chia sẻ một số khó khăn như: Mô hình chuỗi cung ứng điện thoại, điện tử… bị ảnh hưởng do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy; chi phí cho mô hình “3 tại chỗ” tốn kém; tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào dẫn đến đội chi phí, giá thành sản xuất; DN không đủ khả năng trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng…
Đại diện các địa phương và DN trên cả nước đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như: Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đối với các chuyên gia là người nước ngoài vào Việt Nam; phân bổ và đẩy nhanh việc tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người lao động làm việc trong các DN; miễn, giảm, hoãn thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân…; xem xét lại mô hình “3 tại chỗ” tại các DN do chi phí vận hành quá cao; tạo điều kiện rút ngắn thời gian thông quan các lô hàng xuất, nhập khẩu…
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các địa phương, DN trên cả nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời chia sẻ với những khó khăn mà các địa phương và DN đã và đang gặp phải. Đồng chí nhấn mạnh, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các DN, sức khỏe của nhân dân, chính vì thế, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN và người dân ổn định sản xuất, đời sống.
Đồng chí Phó Thủ tướng đề nghị, chính quyền các địa phương và DN cần phối hợp chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm hơn nữa để phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất nhưng phải đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh; tổ chức tiếp xúc, đối thoại với DN để lắng nghe khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn DN chống dịch hiệu quả… Các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương ban hành văn bản hướng dẫn DN phục hồi sản xuất; lưu thông hàng hóa; phân bổ vắc xin; tạo điều kiện cho chuyên gia nhập cảnh khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng, chống COVID-19 và đảm bảo thời gian cách ly theo quy định…