Với khoảng 3.000ha diện tích mặt nước, huyện Đại Từ hiện là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản đứng đầu toàn tỉnh. Phát huy lợi thế đó, những năm qua, nhiều mô hình chăn nuôi thủy sản đã được hình thành và phát triển trên địa bàn, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Trước đây, phần lớn hoạt động chăn nuôi thủy sản ở Đại Từ là tự phát, với quy mô nhỏ lẻ. Mục đích chính của người dân khi chăn thả một số loại cá là để cải thiện bữa ăn gia đình, khi nhiều hơn thì đem ra chợ bán. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực này và được sự định hướng của cơ quan chức năng, người dân đã phát triển chăn nuôi thủy sản tập trung hơn, với quy mô ngày càng được mở rộng.
Ngoài các loại cá truyền thống, nhiều mô hình nuôi các giống cá mới có năng suất, chất lượng cao đã xuất hiện. Đơn cử như tại một số xã có nguồn nước từ dãy núi Tam Đảo như: La Bằng, Hoàng Nông, Mỹ Yên…, người dân tận dụng nuôi cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá lăng, cá hồi…
Cùng với hệ thống sông, suối dày đặc ven dãy Tam Đảo, các hồ chứa lớn trên địa bàn huyện Đại Từ cũng là môi trường lý tưởng để nuôi trồng thủy sản. Trong đó, không thể không kể đến hồ Núi Cốc. Hàng năm, Xí nghiệp Thủy sản hồ Núi Cốc cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn cá thịt các loại, 20 triệu con cá giống.
Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Xí nghiệp thông tin: Những năm qua, Xí nghiệp đã tiến hành đầu tư, cải tạo hạ tầng, tích cực áp dụng kỹ thuật trong sản xuất cá giống, nuôi trồng thủy sản. Khoảng 5 năm trở lại đây, đơn vị đã đưa vào nuôi trồng thêm các loại cá mới, có giá trị cao như: Chép giòn, trắm đen, cá lăng, cá nheo… Được nuôi trồng trong nguồn nước mát lành của hồ Núi Cốc nên cá chắc thịt, ngọt và thơm, được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Nhằm hỗ trợ cho người dân phát triển chăn nuôi thủy sản, hàng năm, huyện Đại Từ thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng bệnh cho cá. Từ đó, giúp bà con có thêm kiến thức và tận dụng triệt để diện tích mặt nước để phát triển chăn nuôi thủy sản, từng bước thay đổi tư duy về lĩnh vực sản xuất này. Nhờ vậy, sản lượng thủy sản của địa phương liên tục tăng mạnh qua từng năm. Nếu như năm 2015, sản lượng thủy sản của huyện là trên 2.100 tấn thì năm 2020, con số này đã tăng gấp hơn 2 lần, đạt gần 4.300 tấn.
Ngoài chú trọng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích chăn nuôi thuỷ sản, huyện Đại Từ còn khuyến khích các hộ dân sản xuất và cung ứng cá giống. Tính đến nay, ngoài 2 đơn vị chuyên sản xuất và cung ứng con giống thuỷ sản của tỉnh là Trại cá Cù Vân, Xí nghiệp Thuỷ sản hồ Núi Cốc, toàn huyện có trên 60 hộ dân ở các xã Cù Vân, An Khánh, Vạn Thọ… chuyên cung cấp cá giống với tổng diện tích trên 12ha. Trung bình mỗi năm, huyện cung cấp khoảng 50 triệu cá bột, 20 triệu cá hương và trên 5 triệu cá giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn và khu vực lân cận.
Ông Trần Văn Thành, Trưởng xóm Hàng, xã An Khánh (Đại Từ) cho hay: Xóm có 50 hộ chuyên sản xuất cá giống và hơn 30 hộ vừa trồng lúa vừa nuôi cá. Những năm gần đây, nhiều hộ đã đầu tư xây dựng ao nuôi theo hướng tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Ngoài cung cấp cá giống, một số hộ còn chăn nuôi cá thịt, chủ yếu là cá trắm, cá chép…
Mặc dù đã có những bước phát triển nhất định nhưng trên thực tế, chăn nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Đại Từ vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung. Để khắc phục tình trạng này, ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khuyến khích người dân đầu tư thâm canh đối với những diện tích mặt nước phù hợp, chủ động về nguồn nước, đặc biệt là tăng cường đưa các giống mới có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2022, sản lượng thủy sản của toàn huyện đạt 5.100 tấn.