Thái Nguyên là tỉnh có tiềm năng, thực lực về hoạt động khai thác khoáng sản và luyện kim đen, luyện kim mầu, sản xuất vật liệu xây dựng. Nhưng sau nhiều nhiệm kỳ nỗ lực, sản xuất công nghiệp của tỉnh đã chuyển dần từ công nghiệp nặng sang sản xuất công nghiệp công nghệ cao, chế tạo, cơ khí chính xác, sản xuất hàng may mặc… để nâng cao giá trị, vị thế của tỉnh trên bản đồ sản xuất công nghiệp của cả nước.
Tỉnh Thái Nguyên từng được coi là trung tâm lớn của ngành Luyện kim Việt Nam, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp khai khoáng, luyện kim, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Đến nay, nhóm ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh vẫn hoạt động tích cực nhưng giá trị không có sự tăng trưởng đột biến, kéo theo đó là hệ lụy về môi trường sinh thái, hiệu quả kinh tế không cao.
Do vậy, vấn đề phát triển công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, giá trị kinh tế lớn đã, đang được tỉnh lựa chọn, liên tục có cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển. Đơn cử như Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) lựa chọn xây dựng tổ hợp công nghệ cao quy mô hàng đầu thế giới tại Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên) đã tạo ra sự đột phá lớn cho tỉnh về giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động.
Bước sang giai đoạn 2015-2020 và những tháng đầu năm 2021, bức tranh phát triển công nghiệp của tỉnh tiếp tục có sự thay đổi tích cực khi doanh thu, giá trị của nhóm công nghiệp nặng, công nghiệp khai khoáng giảm dần. Ngược lại, nhóm công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chính xác mặc dù còn “non trẻ” nhưng có tốc độ tăng trưởng nhanh theo từng năm, đem lại nhiều giá trị rất lớn cho tỉnh.
Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2015-2020 đạt 16,3%/năm. Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đứng thứ tư của cả nước với mức doanh thu đạt trên 800 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 99% tổng giá trị sản xuất. Công nghiệp phát triển nhanh, mạnh đã thúc đẩy tốc độ xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 13,1%/năm. Cụ thể, xuất khẩu địa phương tăng bình quân 20%/năm; xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,9%/năm, chiếm 98,2% tổng giá trị xuất khẩu. Trong 7 tháng của năm 2021, dù dịch COVID-19 đã tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế của tỉnh nhưng sản xuất công nghiệp vẫn được duy trì với tốc độ phát triển khá.
Toàn cảnh nhà máy chế biến các loại tinh quặng của Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (Đại Từ). Ảnh: Việt Hùng
Ông Bùi Văn Lương, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên: "Từ kinh nghiệm phát triển công nghiệp của địa phương trong những năm qua cho thấy, công nghiệp công nghệ cao sử dụng ít quỹ đất nhưng tạo được nhiều việc, đem lại giá trị kinh tế lớn và hạn chế tác động bất lợi tới môi trường sinh thái. Do vậy, trong nhiệm kỳ này, Thị xã sẽ ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại".
Ông Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND T.P Sông Công: "Khi hiện thực hóa Khu công nghiệp Sông Công II - Giai đoạn 2 sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao tỉnh Thái Nguyên, phát huy nội lực, tăng cường hợp tác đầu tư, tiếp tục đổi mới; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành công nghiệp, tạo động lực phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước".
Với chính sách đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, trong những nhiệm kỳ gần đây, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh có bước tăng bứt phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Bên cạnh đó, tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào 5/6 khu công nghiệp tập trung được phê duyệt với tỷ lệ lấp đầy các dự án đạt, vượt kế hoạch đề ra. Đến nay, sản xuất công nghiệp của tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh và đang chuyển dịch về cơ cấu theo đúng định hướng.
Đơn cử như dự án Khu công nghiệp Sông Công II - Giai đoạn 2 (thuộc xã Tân Quang và xã Bá Xuyên, T.P Sông Công) đã được Trung ương và tỉnh triển khai thực hiện với quy mô hơn 365ha, quy mô lao động khoảng 100.000 người. Đây là khu công nghiệp với tiêu chí tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp điện tử, viễn thông, dược phẩm, công nghệ hỗ trợ, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch. Mục tiêu của Khu công nghiệp Sông Công II là hình thành khu vực đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu công nghiệp; gắn kết giữa phát triển khu công nghiệp với quá trình đô thị hóa T.P Sông Công.
Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 thêm Khu Công nghệ tập trung Yên Bình. Theo đó, giai đoạn 1 dự án có quy mô 200ha, giai đoạn 2 dự án quy mô 345,82ha trên địa bàn xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) và xã Nga My (Phú Bình) với diện tích 200ha với số vốn đầu tư thực hiện dự án hơn 2.957 tỷ đồng.
Khu công nghệ này gồm 2 nhóm phân khu: Nhóm phân khu thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của khu công nghệ thông tin tập trung và nhóm phân khu cung cấp dịch vụ cho khu công nghệ... Như vậy, tương lai tỉnh Thái Nguyên sẽ là nơi tập trung phát triển công nghiệp hiện đại gắn với công nghệ thông tin ở miền Bắc.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 7 khu công nghiệp quy mô lớn với tổng diện tích 2.395ha. Trong đó, Khu công nghiệp Sông Công I (195ha), Khu công nghiệp Sông Công II (250ha), Khu công nghiệp Yên Bình I (400ha), Khu công nghiệp Nam Phổ Yên (120ha), Khu công nghiệp Điềm Thụy (350ha), Khu công nghiệp Quyết Thắng (105ha), Khu công nghiệp Phú Bình (675ha), Khu Công nghệ tập trung Yên Bình (200ha). Tỷ lệ lấp đầy một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt từ 60% đến trên 80%.