Hiện thực hóa mục tiêu trở thành thị xã vào năm 2030, hiện nay, huyện Đại Từ đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác quy hoạch. Với phương châm “quy hoạch đi trước, mở đường”, diện mạo đô thị phía Tây Bắc của tỉnh được kỳ vọng sẽ có nhiều đột phá, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội tương lai.
Thay đổi diện mạo đô thị
Từng là địa phương thuần nông, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, những năm trước đây, hệ thống hạ tầng đô thị trên địa bàn huyện Đại Từ còn nhiều hạn chế, chưa có khu dân cư, các trung tâm đô thị, trung tâm thương mại quy mô. Một trong những nguyên do dẫn đến thực trạng này được cho là công tác quy hoạch những giai đoạn trước đây có một số điểm chưa hoặc không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, các đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2012-2015, định đướng đến năm 2020 mới chỉ đáp ứng được yêu cầu là cơ sở cho việc xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn này, chứ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài.
Trong khi đó, những năm gần đây, Đại Từ là “cực hút” hấp dẫn đối với các dự án đầu tư về hạ tầng đô thị, cùng với đó là sự phát triển khá nhanh của kinh tế - xã hội, gia tăng nhanh về dân số. Điều này đặt ra yêu cầu tất yếu đối với công tác lập, điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn, nhất là trong bối cảnh địa phương đang phấn đấu cơ bản hoàn thành các tiêu chí vào năm 2025 và trở thành thị xã vào năm 2030.
Chợ Trung tâm Đại Từ.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đại Từ thông tin: Trên cơ sở rà soát, đánh giá hiện trạng, dự báo sự phát triển của địa phương trong tương lai, các quy hoạch giai đoạn tới có sự thay đổi tầm nhìn, yêu cầu cao hơn. Đối với đô thị, huyện đang tiến hành quy hoạch mở rộng thị trấn Hùng Sơn, đây sẽ là vùng lõi của thị xã tương lai. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tiến hành lập quy hoạch chung 2 xã Cù Vân và Yên Lãng phấn đấu trở thành đô thị loại V. Với 26 xã còn lại, huyện đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung, trong đó phấn đấu đưa 16 xã đạt các tiêu chí để thành phường và đang tiến hành lập quy hoạch chi tiết trung tâm các xã. Qua đó tạo điều kiện phát triển các khu trung tâm, thay đổi diện mạo các địa phương, làm cơ sở thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư trong thời gian tới…
Điều chỉnh theo hướng đồng bộ
Dựa trên định hướng phát triển của huyện, tùy theo tình hình thực tế, mỗi địa phương đã “gửi gắm” ý tưởng, tầm nhìn của mình thông qua công tác quy hoạch.
Ông Lỗ Thanh Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ký Phú chia sẻ: Hiện, xã đang thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết trung tâm xã, quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp tập trung. Theo đó, chúng tôi sẽ mở rộng khu trung tâm xã lên 70ha, khu sản xuất nông nghiệp tập trung được quy hoạch là 65ha với định hướng thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, đưa vào các cây, con giống phù hợp để sản xuất theo hướng hàng hóa. Tại khu vực trung tâm, chúng tôi dự kiến quy hoạch khoảng 120ha diện tích dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ý nghĩa thay đổi diện mạo khu vực, đây còn là cơ sở để gia tăng tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, hoàn thiện một số tiêu chí lên phường.
Cùng với xã Ký Phú, 15 xã, thị trấn còn lại được huyện dự kiến phát triển thành phường cũng đang gấp rút hoàn thiện các bước quy hoạch, dự kiến hoàn thiện trong tháng 12 năm nay.
Trong đó, định hướng chung là tăng quỹ đất cho phát triển công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ lệ, diện tích đất dành cho nông nghiệp. Đáng chú ý, một số yếu tố quy hoạch không còn phù hợp ở giai đoạn trước như: Quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung ở khu vực trung tâm, đông dân cư; diện tích một số cơ quan, đơn vị nhỏ hẹp; thiếu quỹ đất cho sinh hoạt cộng đồng... đã được rà soát, điều chỉnh lại phù hợp với tình hình phát triển và định hướng phát triển mới của huyện trong giai đoạn tới; khu vực trung tâm các xã được mở rộng, đạt từ 60-100ha, tùy địa phương; một số khu vực đất nông nghiệp còn trống được đưa vào quy hoạch, sẵn sàng thu hút các dự án đến đầu tư...
Trồng rau khí canh tại xã Bản Ngoại.
Các xã còn lại được xác định là khu vực ngoại thị như: Minh Tiến, Đức Lương, Phúc Lương, Phú Cường, Na Mao, Quân Chu... cũng có định hướng phát triển riêng. Cùng với khu vực trung tâm, một số xã dành quỹ đất cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp du lịch cộng đồng, trải nghiệm tại những nơi phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Na Mao cho hay: Xã lựa chọn cây chè và chăn nuôi tập trung là thế mạnh trong định hướng phát triển của địa phương. Do vậy, chúng tôi dự kiến mở rộng khu vực chăn nuôi từ 15ha lên 30ha, diện tích chè kinh doanh cũng được mở rộng thêm khoảng 40ha. Ở giai đoạn trước, một số vị trí quy hoạch đất trồng lúa chưa sát với điều kiện thổ nhưỡng nay sẽ được điều chỉnh sang đất trồng cây ăn quả, cây lâu năm... nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất. Dọc các trục đường xóm, liên xóm được quy hoạch thành đất ở nông thôn, tạo điều kiện phát triển thương mại - dịch vụ hai bên đường.
Để đảm bảo công tác quy hoạch hiệu quả, sát với yêu cầu thực tế, huyện đã tổ chức hội nghị tập huấn chuyên đề về công tác quy hoạch cho 30 xã, thị trấn, đồng thời ban hành hướng dẫn cụ thể tới các địa phương. Hàng tháng, tiến độ quy hoạch đều được báo cáo cụ thể cho huyện để kịp thời định hướng, tháo gỡ vướng mắc.
Các cơ quan chuyên môn tích cực phối hợp với các xã, thị trấn, đơn vị tư vấn trong triển khai các bước lập quy hoạch. Ngoài nguồn ngân sách địa phương, huyện đã huy động tài trợ gần 25 tỷ đồng cho công tác lập quy hoạch. Hiện các đồ án quy hoạch cơ bản đảm tiến độ đề ra, dự kiến hoàn thiện vào cuối năm nay.
Các quy hoạch sớm hoàn thiện sẽ tạo cho huyện nền tảng để phát triển đồng bộ, vững chắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tạo thêm sự hấp dẫn, tin tưởng đối với nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn trong khi triển khai các dự án tại địa phương thời gian tới…