Xây dựng thương hiệu gắn với sản phẩm OCOP

08:29, 10/09/2021

Ngoài việc tổ chức sản xuất theo chuỗi, quy trình VietGAP, hiện nay, các hợp tác xã, làng nghề trên địa bàn T.P Sông Công đang hướng tới xây dựng thương hiệu chè gắn với các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm chè của địa phương.

Gia đình chị Phạm Hồng Lê, ở xóm Khe Lim, xã Bình Sơn có khoảng 18.000m2 chè, trong đó có gần 4.000m2 trồng và chăm sóc theo phương pháp hữu cơ. Chị Lê bộc bạch: Thời gian đầu áp dụng trồng chè theo hướng hữu cơ, tôi thấy khá lúng túng, sản lượng búp sụt giảm so với trước, nhưng đến những lứa chè sau, sản lượng tăng dần, chất lượng sản phẩm được đảm bảo và giá bán cũng cao hơn nhiều. Nếu như trước đây, mỗi lứa gia đình tôi chỉ thu được khoảng 1 tạ chè búp tươi/sào thì từ khi sản xuất theo hướng hữu cơ đã tăng lên 1,3tạ/sào, chất lượng và giá trị sản phẩm ché cũng được nâng lên. Hiện nay, giá bán chè búp khô của gia đình đạt trung bình từ 250-400 nghìn đồng/kg, tăng từ 100-150 nghìn đồng/kg so với chè sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Còn tại Công ty TNHH chè Thúy Vân, ở tổ 3, phường Châu Sơn - đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm từ chè như: Bột trà xanh matcha, các sản phẩm chè khô truyền thống… dây chuyền sản xuất được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Trong số các sản phẩm của Công ty, bột trà xanh matcha có ưu điểm vượt trội so với các sản phẩm khác trên thị trường như: Độ hòa tan trong nước gần như hoàn toàn, sản phẩm được làm 100% từ lá chè xanh được trồng theo phương pháp hữu cơ, giữ nguyên được màu và các chất dinh dưỡng trong lá chè xanh… Đây là sản phẩm đã được công nhận đạt 3 sao thuộc Chương trình OCOP tỉnh Thái Nguyên năm 2020. 

Ông Trần Hanh, Giám đốc Công ty chia sẻ: Công ty hiện có vùng chè nguyên liệu với diện tích 2ha, chuyên dùng để sản xuất tinh bột trà xanh. Do tinh bột trà xanh khá “kén” thị trường nên để có được những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chúng tôi tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng, chăm sóc cây chè. Khi sản xuất tinh bột trà xanh, Công ty sử dụng máy nghiền công nghệ hiện đại của Nhật Bản cho ra sản phẩm độ mịn cao, khi hòa tan trong nước không làm mất đi màu và hương vị của trà. 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua, T.P Sông Công đã tập trung nguồn lực để đầu tư, phát triển và nâng cao kỹ thuật sản xuất chè và các sản phẩm từ chè. Giai đoạn 2016-2021, mỗi năm, thành phố trồng mới, trồng thay thế trên 20ha chè, trong đó diện tích chè giống mới đạt trên 60%. 

Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công nhận định: Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn và các xã, phường có diện tích trồng chè kinh doanh để đẩy mạnh phát triển loại cây trồng này theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, tập trung sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; đầu tư xây dựng các mô hình điểm tưới tiết kiệm nước... Nhờ vậy, nếu như năm 2016, sản lượng chè của thành phố chỉ đạt 6.231 tấn thì năm 2020 đã tăng lên 7.443 tấn. Hiện, trên địa bàn thành phố có 8 làng nghề chè, 50ha trồng chè được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; 5 sản phẩm chè đạt sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 3 sao. 

Đến năm 2025, T.P Sông Công phấn đấu diện tích chè trê địa bàn đạt 580ha, sản lượng đạt trên 7.800 tấn. Trong đó, diện tích trồng chè tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đạt trên 200ha; trồng mới và trồng thay thế từ 15-20ha chè/năm; giá trị sản xuất chè đạt 175 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè đạt trên 330 triệu đồng. Song song với đó, thành phố tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè địa phương, đặt mục tiêu có ít nhất 8 sản phẩm chè được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao; xây dựng được 1-2 mô hình chuỗi liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè.

Để làm được điều này, thành phố tiếp tục duy trì và phát triển nhãn hiệu “Trà Cao Sơn”, “Chè Đảo Cốc”, “Trà Thúy Vân”, “Trà Thắng Lợi - TNG”... Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề sản xuất chè an toàn...