Hoạt động khuyến công của tỉnh trong những năm gần đây đã ưu tiên hỗ trợ trực tiếp các mô hình, cơ sở sản xuất ở xóm, xã để lựa chọn, nhân rộng. Từ đó, hoạt động công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn.
Trong những năm qua, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND 9 huyện, thành, thị triển khai 188 đề án về lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản... Trong đó, tập trung vào các chương trình, mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đưa vào sử dụng những loại máy móc tiên tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn...
Cụ thể, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ chuyển giao ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến cho 146 đề án; phát triển sản phẩm nông thôn tiêu biểu; phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống; đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp...
Song song với đó, công tác tuyên truyền chế độ chính sách về hoạt động khuyến công được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng dần dần đã truyền tải được thông tin đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Các cơ chế, chính sách về khuyến công từng bước được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, tổ chức hệ thống khuyến công từ Trung ương đến địa phương đã dần được củng cố và tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động khuyến công.
Cùng với đó là sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công, sự phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo, cán bộ chuyên môn ở cấp huyện, cấp xã và cơ quan, đoàn thể có liên quan trong việc hướng dẫn người dân triển khai thực hiện đề án thuộc chương trình khuyến công. Từ hoạt động khuyến công của tỉnh đã khuyến khích các cơ sở sản xuất trong tỉnh mở rộng quy mô, đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân, đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại, như: Hoạt động khai thác, chế biến gỗ từ rừng trồng; chế biến, đóng gói chè bằng công nghệ hút chân không; ứng dụng thiết tự động trong sản xuất công nghiệp...
Trên cơ sở kết quả, khó khăn, tồn tại trong hoạt động khuyến công những năm trước, cơ quan chức năng của tỉnh đã đưa ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, gồm: Ưu tiên hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề và cơ sở ngành nghề nông thôn; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, đồ uống; ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp nông thôn; ngành dệt may, da giầy, hàng tiêu dùng; ngành sản xuất vật liệu xây dựng; ngành khai thác và chế biến khoáng sản; hoạt động khai thác, cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải.
Ông Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: Ngành Công Thương rất chú trọng phát triển công nghiệp nông thôn theo chiều sâu, góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương trong tỉnh.
Thực hiện các mục tiêu trên, ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng, UBND cấp huyện, xã tổ chức triển khai đồng bộ hoạt động khuyến công nhằm khích lệ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, công nghệ sản xuất để theo kịp yêu cầu phát triển...