Thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) được biết đến là nơi trồng chè đặc sản lâu đời, từ những năm 60 của thế kỷ trước, gắn với sự phát triển của nông trường chè Sông Cầu. Thời điểm đó, Công ty chè Sông Cầu - một trong những đơn vị quốc doanh lớn với dây chuyền sản xuất hiện đại đã từng mang sản phẩm chè Sông Cầu đến với nhiều nước trên thế giới. Trải qua nhiều thăng trầm thời gian, chè Sông Cầu dần mất đi vị thế. Tuy nhiên, nhờ sự chung sức của “4 nhà”, thương hiệu chè Sông Cầu đang dần được “hồi sinh”...
Từ một doanh nghiệp lớn của Tổng Công ty Chè Việt Nam, trải qua nhiều lần thay đổi cơ chế, Công ty chè Sông Cầu mất dần vị thế rồi giải thể. Vùng nguyên liệu rộng hơn 1.300ha hầu hết được giao lại cho các hộ nông trường viên năm xưa để họ chủ động sản xuất và tự tìm cách tiêu thụ sản phẩm. Loay hoay với cây chè mà kinh tế vẫn “giậm chân tại chỗ”, nhiều hộ trong số này bắt đầu chuyển đổi sang các cây trồng khác (như ngô, vải) nhưng đều không thành công. Sau cùng, họ lại quay về với việc trồng chè, mặc dù cuộc sống cũng chẳng dư dật gì.
Năm 2011 được coi là “cú hích” khiến vùng chè Sông Cầu chuyển mình khi tham gia Festival trà Quốc tế - Thái Nguyên lần thứ nhất do tỉnh tổ chức. Chè Sông Cầu tự tin bước ra thi hương, sắc với các vùng chè nổi tiếng khác như La Bằng, Tân Cương, Khe Cốc... Những phản hồi tích cực tại Liên hoan lần này đã giúp nhiều hộ dân bắt tay vào chuyển đổi cơ cấu giống, đưa các giống chè cành như LDP1, Bát Tiên, Kim Tuyên… vào thay thế dần chè trung du giống cũ. Cùng với đó, người dân cũng bắt đầu triển khai các mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chè hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Năm 2017, 150 hộ dân đã mạnh dạn tham gia Dự án “Mô hình sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” với tổng diện tích 50ha. Ông Nguyễn Văn Hiến, Tổ trưởng tổ 2, thị trấn Sông Cầu cho biết: Sau khi tham gia Dự án, người dân từng bước thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất chè an toàn, nắm vững và thực hiện thuần thục các quy trình VietGAP. Đến nay, thu nhập bình quân từ cây chè đạt 249 triệu đồng/ha, cao hơn 106 triệu đồng so với trước khi thực hiện dự án.
Đến năm 2020, thị trấn Sông Cầu phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình trồng chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam với diện tích 20ha. Anh Nguyễn Đức Trọng, ở tổ 4, một trong những hộ tham gia mô hình chia sẻ: Tôi thấy sản xuất chè hữu cơ đem lại nhiều lợi ích, trước mắt là đảm bảo môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cho người trồng chè vì không sử dụng thuốc hóa học. Sản phẩm chè hữu cơ cũng cho chất lượng tốt, nước uống đậm vị, hương thơm tự nhiên và giá thành cao hơn so với chè thông thường.
Ông Dương Tiến Vững, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu khẳng định: Người dân Sông Cầu với truyền thống của những người công nhân nông trường chè có ý thức và tổ chức kỹ thuật cao, cho nên việc bắt nhịp sản xuất hàng hóa không mấy khó khăn. Toàn thị trấn hiện có gần 340ha chè, thì 80% diện tích là các giống chè cành, 50ha chè đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 20ha là chè hữu cơ. Sản phẩm chè Sông Cầu hiện đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2020, thu nhập bình quân của thị trấn đã tăng lên 38 triệu đồng/người/năm (cao hơn 12 triệu đồng so với năm 2015). Thị trấn đang phấn đấu đến cuối năm nay, thu nhập của người dân đạt 50 triệu đồng/người/năm.
Để xây dựng và phát triển thương hiệu chè Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ đã đề ra định hướng tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn với cây chè; phối hợp với doanh nghiệp xây dựng xưởng thu mua nông sản và chế biến trà Kombucha; xây dựng trung tâm giao dịch các sản phẩm chè... Từ đó, nhằm nâng tầm thương hiệu chè Sông Cầu và giúp người dân trồng chè được hưởng lợi.