Với một địa phương có diện tích đất nông nghiệp ít, lại ngày càng bị thu hẹp để phục vụ phát triển công nghiệp – xây dựng – dịch vụ như T.P Sông Công, việc làm thế nào để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân vùng nông thôn là yêu cầu tất yếu. Thời gian qua, cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thành phố đã tập trung phát triển, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể (KTTT).
Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công thông tin: Thông qua hoạt động KTTT mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (HTX), các hộ dân đã giúp nhau khai thác, cung cấp dịch vụ, chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, lan tỏa cách làm hay, cách làm mới và hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Nhằm tạo động lực phát triển KTTT, từ năm 2017 đến nay, T.P Sông Công đã thực hiện hỗ trợ chính sách nguồn nhân lực với số tiền trên 190 triệu đồng đối với 3 HTX; 7 HTX được hỗ trợ thành lập mới với với tổng kinh phí 70 triệu đồng; tổ chức 40 lớp dạy nghề cho trên 1.200 lao động; tổ chức 40 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 1.600 nông dân ứng dụng vào sản xuất… Đến nay, toàn thành phố có 54 HTX và THT (tăng 23 HTX, THT so với năm 2013) đang hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, thu hút trên 750 thành viên tham gia (tăng hơn 500 thành viên so với năm 2013), thu nhập bình quân của người lao động trong các HTX, THT đạt 5,7 triệu/người/tháng.
Là một trong những HTX điển hình của thành phố trong việc sản xuất, chế biến chè, HTX Trà Cao Sơn (thuộc xã Bình Sơn) đã mạnh dạn đi đầu trong xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Anh Phạm Văn Tiến, thành viên HTX Trà Cao Sơn cho hay: Thông qua các các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ vốn, tư vấn cách làm, đến nay, các thành viên HTX đã nắm vững quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Nhờ vậy, giá bán sản phẩm của HTX tăng từ 150-200 nghìn đồng/kg lên 400-500 nghìn đồng/kg, có loại đạt 1-2 triệu đồng/kg. Năm 2020, HTX có 3 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP 4 sao, 1 sản phẩm được công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh.
Còn ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc HTX Chăn nuôi xanh, thuộc tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn thông tin: Năm 2020, HTX được thành phố hỗ trợ 1 cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn về làm việc, nhờ đó việc quản lý, vận hành HTX thuận lợi hơn, đặc biệt là vấn đề quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hiện nay, với quy trình chăn nuôi khép kín theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học, bình quân mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường trên 30 tấn lợn thương phẩm. Chúng tôi cũng đã xây dựng được điểm giới thiệu và bán sản phẩm tại Cửa hàng Tâm An, ở tổ dân phố 9, phường Thắng Lợi.
Cùng với các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển KTTT của thành phố, các cấp hội đoàn thể trên địa bàn cũng đã chủ động hỗ trợ các hội viên là thành viên của các HTX, THT sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ ngân hàng và quỹ hỗ trợ nông dân, gắn việc vay vốn với xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Cũng theo ông Ngô Quảng Bá: Mặc dù số lượng HTX, THT trên địa bàn hiện nay tăng cả về số lượng và quy mô hoạt động, song ngành nghề hoạt động chưa đa dạng, số thành viên tham gia chưa nhiều.
Nhằm đẩy mạnh phát triển KTTT, thành phố sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các HTX, THT được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện các mô hình, dự án. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, nhằm tư vấn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ các HTX, THT tham gia xúc tiến thương mại; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất...