Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai vận động người dân chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây ăn quả. Việc chuyển đổi này đã mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung.
Ở xóm Viên, xã Tân Đức (Phú Bình), gia đình ông Hoàng Văn Mão là một trong những hộ tiên phong đưa cây bưởi Diễn về trồng trên đất vườn tạp. Ông Mão chia sẻ: Năm 2013, gia đình tôi bắt đầu trồng thử nghiệm giống bưởi Diễn ở vườn nhà. Sau 3 năm, cây bưởi bắt đầu cho thu hoạch với quả đẹp mã, ngọt và mọng nước. Đến nay, vườn bưởi nhà tôi có hơn 350 gốc, với giá bán từ 15-20 nghìn đồng/quả, trung bình mỗi năm, gia đình tôi cũng có thu nhập hơn 50 triệu đồng từ cây bưởi, góp phần cải thiện cuộc sống. Nhận thấy, trồng bưởi không mất nhiều công chăm sóc lại bảo quản được lâu, nên hiện toàn xã Tân Đức đã có 37 hộ tham gia trồng bưởi Diễn với diện tích hơn 50ha.
Tương tự, tại phường Lương Sơn (T.P Sông Công), một số hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà lưới ứng dụng công nghệ cao để trồng rau, củ, quả trên diện tích đất lúa kém hiệu quả. Chị Trương Thị Bích, ở tổ dân phố Pha cho biết: Ưu điểm của trồng trong nhà lưới là rau, củ không bị ảnh hưởng bởi thời tiết; hạn chế các loại sâu bệnh gây hại và ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Với diện tích gần hơn 1.200m2, nhà tôi trồng hơn 1.000 gốc dưa chuột, rau cải, cà chua... Hiện, cây đã bắt đầu ra hoa, khoảng 2 tuần nữa sẽ cho thu hoạch. Vụ trước, nhà tôi thu hoạch được hơn 2 tấn dưa chuột, bán với giá từ 10-15 nghìn đồng/kg, thu về trên 24 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi 5.320ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó, cây hàng năm là 5.075ha, cây lâu năm 245ha. Để thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành Nông nghiệp cùng với chính quyền các địa phương đã thực hiện rà soát diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả và xây dựng kế hoạch, lộ trình cho việc chuyển đổi; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có giá trị kinh tế cao, với tổng diện tích 1.580ha, tập trung ở các địa phương: Minh Đức, Phúc Thuận, Phúc Tân (T.X Phổ Yên); Hóa Thượng, Hóa Trung (Đồng Hỷ); La Hiên, Tràng Xá (Võ Nhai); Bàn Đạt, Tân Hòa (Phú Bình); Tiên Hội, Quân Chu (Đại Từ)… Kết quả tại những vùng này cho thấy, giá trị sản phẩm thu được đối với quả na đạt 425 triệu đồng/ha/năm; nhãn 300 triệu đồng/ha/năm, bưởi 360 triệu đồng/ha/năm…
Ngoài ra, tỉnh cũng có một số vùng chuyên canh rau với tổng diện tích 1.216ha ở các địa phương: Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên); Nhã Lộng, Đào Xá (Phú Bình); thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ); Đông Cao, thị trấn Ba Hàng (T.X Phổ Yên)...
Từ thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã và đang góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đồng thời, từng bước thay đổi tập quán, tư duy sản xuất của bà con; tạo nên sự liên kết trong đầu tư sản xuất, tiêu thụ hàng hóa giữa người dân, doanh nghiệp và hợp tác xã. Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, giai đoạn 2021-2030, tỉnh tiếp tục có kế hoạch chuyển đổi hơn 2.780ha diện tích đất trồng lúa và cây ăn quả hiệu quả thấp để chuyển sang trồng các loại cây khác.