Phương pháp tiêu độc khử trùng, tiêu hủy xác gia súc và xử lý sự cố hố chôn trong vùng có dịch đã được quy định rất rõ tại các văn bản luật cũng như hướng dẫn của Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT). Tuy vậy, thời gian qua, trên địa bàn huyện Định Hóa vẫn xuất hiện tình trạng người dân tự ý tiêu hủy gia súc ngay gần khu vực đông dân cư. Việc làm này làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.
Mới đây, bà Hoàng Thị Thọ, xóm Thái Chi, xã Kim Phượng có phản ánh về việc gia đình ông Phạm Xuân Đính (ở cùng xóm) chôn lấp xác gia súc bị bệnh trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Theo phản ánh của người dân, vào khoảng ngày 13-10, gia đình ông Đính tự tiêu hủy 5 con lợn mắc bệnh tại khu vườn nằm giữa khu vực nhà ở của 2 hộ dân là bà Hoàng Thị Thọ và ông Quán Đình Đàng. Sau vài ngày, nơi chôn lấp xác gia súc bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Anh Tú, Chủ tịch UBND xã Kim Phượng cho biết: Sau khi nhận được thông tin về tình hình lợn chết không rõ nguyên nhân trên địa bàn, UBND xã ngay lập tức phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thành lập đoàn kiểm tra, xác minh, lấy mẫu xét nghiệm. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh tai xanh, UBND xã đã yêu cầu tiêu hủy toàn bộ số lợn còn lại của gia đình ông Đính (13 con) tại vị trí cách khu dân cư khoảng 600m.
Tuy nhiên, sau khi tiêu hủy, chúng tôi mới nhận được đơn kiến nghị của bà Thọ về việc gia đình ông Đính đã tự ý chôn lấp xác lợn chết bệnh trong khu dân cư từ trước đó. Sau khi nhận được thông tin, UBND xã đã làm việc với gia đình ông Đính để xác minh và tìm hướng xử lý, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường, tránh lây lan dịch bệnh. Qua đó, chúng tôi yêu cầu gia đình ông Đính có trách nhiệm thuê máy múc đào hố sâu 3m, bọc xác lợn chết bằng túi nilon, sát trùng bằng vôi bột ở khu vực hố chôn. Đến nay, gia đình ông Đính đã thực hiện khắc phục theo yêu cầu.
Trước đó, từ đầu tháng 10, trên địa bàn huyện Định Hóa đã xuất hiện 2 dịch bệnh ở lợn là dịch tai xanh (tại xã Kim Phượng) và tả lợn châu Phi (tại xã Quy Kỳ), số lượng gia súc tiêu hủy đến nay là 21 con, với tổng trọng lượng trên 1 tấn. Ông Triệu Xuân Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thông tin: Thời tiết giao mùa, độ ẩm cao là thời điểm dễ phát sinh, lây lan dịch bệnh, do vậy chúng tôi đang tích cực phối hợp với các xã tiến hành khoanh vùng, dập dịch, hỗ trợ vôi bột, hóa chất sát khuẩn cho người dân, tăng cường công tác kiểm tra việc xử lý đàn vật nuôi nhiễm bệnh, chết. Đối với việc chôn lấp xác gia súc thuộc diện buộc phải tiêu hủy, chúng tôi đã gửi hướng dẫn cụ thể đến từng địa phương, cử cán bộ thú y cơ sở cùng với UBND các xã tham gia giám sát việc chôn lấp theo đúng quy định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù lực lượng thú y cơ sở của huyện Định Hóa thường xuyên bám sát địa bàn, tuyên truyền cho bà con về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên vật nuôi, xử lý xác động vật chết do dịch bệnh, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn trường hợp người dân cố tình giấu dịch, tự tiêu hủy xác gia súc. Theo thông tin từ cơ quan chuyên môn, việc chôn lấp tại nơi xảy ra dịch được ưu tiên vì hạn chế sự lây lan của mầm bệnh. Tuy nhiên, cách làm này chỉ thích hợp với khối lượng tiêu hủy không quá lớn, ổ dịch ở xa khu dân cư, có đất rộng, cách xa giếng nước, chuồng trại, nhà ở.
Để chấm dứt tình trạng xử lý xác động vật không đúng quy định, huyện Định Hóa đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.