Thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng được người dân, doanh nghiệp tại Thái Nguyên sử dụng nhiều hơn bởi sự nhanh chóng, thuận tiện và an toàn. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hình thức thanh toán này giúp các hoạt động thương mại, dịch vụ không bị gián đoạn...
Từ hơn hai năm nay, ông Nguyễn Hữu Chiến, 70 tuổi, ở tổ dân phố An Châu 1 Phường Mỏ Chè (T.P Sông Công) không phải trực tiếp cầm tiền mặt đến thanh toán tại các điểm thu tiền điện, nước. Thay vào đó, ông đăng ký khấu trừ trực tiếp từ tài khoản ngân hàng cho các dịch vụ này.
Ông cho biết: Việc thanh toán tiền điện, nước qua tài khoản ngân hàng rất dễ dàng và thuận tiện, không phải mất thời gian và công sức đi lại.
Là một trong những doanh nghiệp triển khai thanh toán không dùng tiền mặt sớm nhất trên địa bàn tỉnh, tính đến hết tháng 10, Điện lực Thái Nguyên đã có gần 302 nghìn khách hàng thường xuyên thanh toán tiền điện qua hình thức này như ông Nguyễn Hữu Chiến.
Ông Đặng Văn Hoạch, Trưởng Phòng Kinh doanh, Điện lực Thái Nguyên cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 392 nghìn khách hàng sử dụng điện. Việc đẩy mạnh tuyên truyền khách hàng thanh toán tiền điện bằng các hình thức không dùng tiền mặt đã được Điện lực Thái Nguyên triển khai từ năm 2015 và hiện nay, chúng tôi đã có gần 77% tỷ lệ khách hàng thường xuyên thanh toán tiền điện qua hình thức này.
Để đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, từ năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí.... Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp đẩy nhanh tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Nguyên đã yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tập trung nâng cao chất lượng các dịch vụ thanh toán điện tử; phát triển hệ thống máy chấp nhận thẻ ngân hàng (POS); đẩy mạnh liên kết với các đơn vị cung ứng dịch vụ phục vụ đời sống như điện, nước, viễn thông, siêu thị, hay các dịch vụ du lịch...
Đến nay, các ngân hàng thương mại có mặt tại tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước để tổ chức thu ngân sách; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công. Qua đó, gần 100% số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện qua các hệ thống thanh toán của ngân hàng, Kho bạc Nhà nước; 20% số trường học trong tỉnh triển khai thu học phí không dùng tiền mặt; phần lớn việc thanh toán các dịch vụ công như: Dịch vụ điện, nước, viễn thông, y tế... cũng đã bằng các hình thức không dùng tiền mặt.
Ông Đặng Hoàng Nguyên, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Nam Thái Nguyên (Agribank Nam Thái Nguyên) chia sẻ: Chúng tôi đã dành nhiều sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn nhằm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của khách hàng khu vực này. Mới đây nhất, chúng tôi đã triển khai dịch vụ phát hành thẻ ATM với hạn mức vay thấu chi lên đến 30 triệu đồng không cần tài sản đảm bảo với mức lãi suất ưu đãi, cạnh tranh, thủ tục linh hoạt cho các khách hàng cư trú tại địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tai nông thôn.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tháng 3-2021, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Nguyên đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80%; 100% giao dịch nộp thuế thực hiện qua ngân hàng; 100% các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng; 100% bệnh viện triển khai thanh toán viện phí qua ngân hàng; tối thiểu 50% bệnh nhân chi trả viện phí bằng phương thức không dùng tiền mặt; 80% trở lên số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng…
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Để hoàn thành những mục tiêu trên, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị đẩy mạnh triển khai ứng dụng các hình thức, phương thức mới phục vụ thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả xã hội; chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; xây dựng cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin phù hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng nhằm tạo thuận lợi cho việc theo dõi và quản lý các khoản thu, chi với khách hàng bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt…
Về lâu dài, việc thanh toán không dùng tiền mặt được đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng hơn.
Còn trong bối dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, hình thức thanh toán này cũng hạn chế tiếp xúc trực tiếp trong các giao dịch, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng.