Thời điểm cuối năm nhu cầu tín dụng thường tăng cao. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp lo lắng, lãi suất cho vay liệu có tăng?
Ngân hàng huy động thêm tiền
Lãi suất huy động của các ngân hàng duy trì ở mức thấp trong thời gian dài. Quyết định này khiến việc huy động tiền nhàn rỗi từ người dân chậm lại. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, từ tháng 3-2021 đến nay, tiền gửi của dân cư tăng trưởng rất thấp, không tháng nào tăng trên 0,5%. Thậm chí trong tháng 8-2021, huy động vốn của ngân hàng chỉ đạt hơn 5,293 triệu tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với cuối tháng 7-2021; tháng 9-2021 giảm tới gần 1.500 tỷ đồng, xuống còn hơn 5,291 triệu tỷ đồng.
Để có đủ nguồn vốn cho mùa cao điểm vay cuối năm, đầu tháng 11-2021, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã điều chỉnh lãi suất huy động tăng từ 0,1-0,5%/năm. Trong đó, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh cũng như tiết giảm chi phí, nhiều NHTM đã tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm online (trực tuyến) từ 0,3% đến hơn 1%/năm so với tiền gửi tại quầy. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm online của Vietcapital Bank từ tháng 11-2021 tăng 0,2-0,3% và lãi suất cao nhất trên 12 tháng là 6,5- 6,7%/năm. Hiện lãi suất của SCB ở kỳ hạn 6-12 tháng từ 5,7-6,8%/năm nhưng khách hàng gửi online được cộng thêm 0,5%/năm. SHB cũng áp dụng lãi suất tiền gửi online cao hơn khoảng 1% so với thông thường…
Ngoài lý do tăng lãi suất huy động để thu hút vốn cho dịp kinh doanh cuối năm của doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, theo nhiều chuyên gia, ngân hàng phải tăng lãi suất để cạnh tranh với các kênh đầu tư khác. Đó là chứng khoán, vàng, bất động sản… đang hấp dẫn người dân do tăng giá mạnh gần đây.
Động thái tăng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã khiến không ít DN lo lắng lãi suất cho vay sẽ khó giảm thời gian tới, thậm chí có thể tăng. Nếu điều đó xảy ra, DN sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Lãnh đạo một NHTM tại TPHCM cho biết, mặc dù lãi suất huy động có tăng nhưng ngân hàng vẫn có nguồn vốn rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Đồng thời, nhờ đẩy mạnh số hóa các dịch vụ nên có thể duy trì mức lãi suất cho vay hiện nay. Thời gian qua, ngân hàng đã giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất cho DN, nên mùa cao điểm cuối năm khó giảm thêm, nhất là áp lực lạm phát ngày càng lớn. Tuy nhiên, các DN trong lĩnh vực ưu tiên vẫn có thể vay từ các gói ưu đãi lãi suất”.
Thực tế cho thấy, cuối quý 3-2021, nhiều NHTM đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng (room) được giao. Tuy nhiên mới đây, NHNN chính thức nới room cho 11 NHTM. Trong đó, 4 ngân hàng được nâng hạn mức tín dụng lên trên 20% như: TPBank, Techcombank, MSB, MBBank. Ngoài ra, nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước như Vietcombank, BIDV, Vietinbank cũng được nới lên 12-15%. Đánh giá về động thái này, chuyên gia kinh tế của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, việc NHNN nới room đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản và chỉ số an toàn tốt sẽ giúp mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được duy trì ở mức như hiện tại. Đây là cơ hội cho cả ngân hàng và DN phục hồi sản xuất kinh doanh sau đợt dịch COVID-9 lần thứ 4.
Khó giảm hơn nữa
Hiện có không ít quan điểm cho rằng với lợi nhuận tích cực trong 9 tháng đầu năm nay, các NHTM vẫn còn dư địa để hạ tiếp lãi vay, ngay cả khi chưa có gói cấp bù lãi suất. Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều trong điều kiện ngành ngân hàng phải ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống. Hiện lãi suất đã ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua và áp lực lạm phát tiềm ẩn trong điều kiện lạm phát toàn cầu gia tăng, nợ xấu tăng. Tuy nhiên, ngành ngân hàng có thể mở rộng chọn lọc tín dụng, gồm cả tín dụng từ gói hỗ trợ lãi suất của Nhà nước và tiết giảm chi phí, chấp nhận giảm chênh lệch lãi suất để giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, DN.
Tại buổi chất vấn tại nghị trường Quốc hội mới đây, trả lời về việc còn có thể giảm lãi suất cho vay thời gian tới hay không, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1,66% so với trước dịch, các tổ chức tín dụng đã giảm khoảng 30.000 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ người dân, DN và tiếp tục giảm cho đến cuối năm. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng đã giảm hơn 2.000 tỷ đồng tiền phí cho khách hàng. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng nên tổ chức tín dụng phải dùng nguồn lực tài chính của mình để xử lý nợ xấu. Nếu để tình hình tài chính của tổ chức tín dụng bị suy giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả và an toàn của hệ thống. Bài học này đã xảy ra trước đây, khi tăng trưởng tín dụng cao, thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất trong năm 2008 nên lạm phát trong năm 2011 có thời điểm lên tới 18%.
Tuy nhiên, Thống đốc NHNN khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất, song phải đảm bảo tỷ lệ an toàn của TCTD cũng như toàn hệ thống.