Từ đầu năm đến nay, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Định Hóa phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại trên đàn vật nuôi, các ngành chức năng của huyện đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch.
Dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò được phát hiện trên địa bàn huyện Định Hóa từ cuối tháng 3 đến tháng 8 đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Vào khoảng thời gian trên, dịch bệnh xuất hiện tại 48 hộ ở 16 xã. Toàn huyện có tổng số 48 con trâu, 1 con bò thuộc diện buộc phải tiêu hủy.
Cùng thời điểm, dịch bệnh H5N6 cũng khiến 2 hộ ở xóm Dạo, xã Bộc Nhiêu, phải tiêu hủy 400 con gà. Đối với dịch bệnh ở lợn, từ đầu tháng 10 vừa qua, dịch bệnh tai xanh và dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại các xã Quy Kỳ, Kim Phượng và thị trấn Chợ Chu khiến ngành chức năng và các hộ dân phải tiêu hủy 43 con lợn với tổng trọng lượng gần 1.500kg.
Bà Nguyễn Thị Tỵ, tổ dân phố Núi, thị trấn Chợ Chu, chia sẻ: Vừa qua, tôi buộc phải tiêu hủy một nửa trong tổng số 20 con lợn của gia đình do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau khi tiêu hủy, gia đình tôi lập tức tách đàn lợn còn lại đến nơi khác, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng, chống dịch lây lan như rắc vôi bột, phun khử khuẩn 1 lần/ngày…
Từ đầu năm đến nay, thiệt hại về kinh tế của các hộ chăn nuôi do dịch bệnh là khá lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, thời gian gần đây, do dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã “lắng” xuống nên người chăn nuôi có tâm lý chủ quan. Thêm vào đó, nhiều loại bệnh ở vật nuôi đã có vắc-xin tiêm phòng nên bà con có phần lơ là, ít thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng, chống dịch.
Ông Ma Đình Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho biết: Hầu hết các dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã có vắc-xin phòng ngừa, tỷ lệ tiêm của vật nuôi trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay đã đạt gần 70%. Đối với dịch tả lợn châu Phi, hiện nay, vẫn chưa có vắc-xin nên chúng tôi phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và UBND các xã tăng cường biện pháp khử trùng tiêu độc, phòng tránh dịch bệnh từ xa, như: Tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các hộ chăn nuôi, hỗ trợ hóa chất khử trùng, tiêu độc…
Theo thống kê, huyện Định Hóa hiện có trên 7.000 con trâu, bò; trên 35.000 con lợn và khoảng 790.000 con gia cầm. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn là một trong những ngành kinh tế có đóng góp lớn vào thu nhập của người dân trên địa bàn. Đặc biệt, nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Vì vậy, để đảm bảo cho đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai kế hoạch tiêm phòng một số dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Cụ thể, đối với đàn gia súc, huyện đã tổ chức tiêm 3.250 liều vắc-xin tụ huyết trùng ở trâu, bò; 5.400 liều vắc-xin lở mồm long móng; 8.000 liều tụ dấu lợn; 9.000 liều vắc-xin dịch tả lợn; và 7.500 liều vắc-xin phòng dại chó…
Để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao, hiện nay, huyện Định Hóa đang tích cực chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành rà soát, thống kê số lượng vật nuôi chưa được tiêm vắc-xin; tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định; hướng dẫn các hộ chăn nuôi khử trùng chuồng trại định kỳ bằng hóa chất, vôi bột.
UBND huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện quản lý chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong công tác phòng, chống dịch bệnh vật nuôi.
Song song với công tác phòng dịch, hiện nay, các cơ quan chuyên môn của huyện Định Hóa cũng đang tích cực tuyên truyền đến người dân về phòng, chống rét cho vật nuôi trong mùa Đông, như: Che chắn chuồng trại, bổ sung thức ăn tinh, đốt lửa sưởi ấm cho vật nuôi vào những ngày rét đậm, rét hại, nhằm giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất cho người dân...