Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện đợt rét đậm, rét hại với nền nhiệt từ 11-13 độ C, vùng núi có nơi từ 9-11 độ C. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp chỉ đạo kịp thời nhằm hướng dẫn bà con chủ động bảo vệ đàn vật nuôi trong giá rét.
Gia đình anh Trần Trọng Tấn, ở xóm Làng Lai, xã La Hiên (Võ Nhai) nuôi 20 con bò với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng. Với khối tài sản lớn như vậy, ngay từ đầu mùa Đông, anh Tấn đã mua rơm, mía, khoai về dự trữ, ủ lên men làm thức ăn cho bò. Anh Tấn chia sẻ: Trong những ngày trời rét đậm, nhà tôi bổ sung thức ăn đầy đủ để đàn bò có sức đề kháng tốt; đồng thời tiêm phòng các loại vắc-xin theo quy định để phòng, chống dịch bệnh. Chuồng trại cũng thường xuyên được tôi vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc khử trùng tiêu độc nhằm hạn chế ve, mòng và mầm bệnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết: Từ đầu tháng 11, chúng tôi đã có văn bản đôn đốc các xóm tuyên truyền, vận động bà con áp dụng biện pháp chống rét cho đàn vật nuôi. Vài năm trở lại đây, đa phần người dân đã nâng cao ý thức, không thả rông trâu, bò trong những ngày trời rét đậm, rét hại. Hiện, đàn vật nuôi của xã đang phát triển ổn định với gần 300 con trâu, hơn 200 con bò, trên 14.000 con lợn và 620.000 con gia cầm.
Nói về công tác phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai thông tin: Để tránh tâm lý chủ quan, ngay từ đầu mùa rét, chúng tôi đã có văn bản đề nghị chính quyền các xã, thị trấn đôn đốc triển khai công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm. Cùng với đó, ban hành kèm theo hướng dẫn các biện pháp chống rét cho đàn lợn, trâu, bò, gia cầm và thủy sản.
Còn tại huyện miền núi Định Hóa, công tác chống rét cho đàn gia súc, gia cầm cũng được chính quyền địa phương và bà con đặc biệt quan tâm. UBND huyện đã có văn bản đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương tăng trường tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ, duy trì ổn định đàn vật nuôi.
Bà Hoàng Thị Trang, một hộ dân ở xóm Khau Lang, xã Tân Thịnh (Định Hóa) nói: Nhằm tránh gió lùa, tôi đã mua lưới đen về che chắn xung quanh chuồng trại. Hôm nào trời rét đậm, có sương muối, chúng tôi đốt lửa sưởi ấm cho đàn trâu. Ngoài ra, nhà tôi không còn thả trâu trên núi nữa mà nuôi nhốt trong chuồng và bổ sung thêm thức ăn như: Ngô, khoai, sắn…
Không chỉ 2 huyện Võ Nhai, Định Hóa, tìm hiểu tại một số địa phương khác trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy, hiện nay, các hộ chăn nuôi đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất. Nếu như trước đây, bà con thường có thói quen thả rông trâu, bò trên núi, đến vụ sản xuất mới lùa về nhà thì nay các hộ đã làm chuồng trại sạch sẽ và chú ý tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi.
Về vấn đề này, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản trao đổi: Trên địa bàn tỉnh hiện nay, tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm số lượng lớn, khoảng 60%. Để nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm, chống lại các tác động bất lợi của thời tiết, bà con cần chuẩn bị thức ăn hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng tùy theo từng giai đoạn phát triển của vật nuôi. Cùng với đó, quan tâm khâu che chắn chuồng trại và tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh. Hiện, các hộ chăn nuôi đang tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia súc, gia cầm để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán. Tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh đang phát triển ổn định với hơn 89.100 con trâu, bò; 650.000 con lợn và trên 15,1 triệu con gia cầm.
Theo dự báo của Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh, thời gian tới sẽ tiếp tục xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại, sương muối. Vì vậy, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con không chủ quan, lơ là trong chăm sóc, quản lý đàn vật nuôi trước, trong và sau rét đậm, rét hại. Hàng ngày, bà con cần theo dõi, khi phát hiện vật nuôi bị ốm, mắc bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y biết để kịp thời xử lý, tránh lây lan.