Hợp Tiến – Không vội “bỏ rơi” tre phấn

06:59, 17/12/2021

Cây tre phấn (hay còn gọi là cây dùng) hiện diện trên mảnh đất Hợp Tiến (Đồng Hỷ) từ lâu. Trong suốt nhiều năm, tre phấn là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính, tạo việc làm, giảm nghèo cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Vì thế, trước việc người dân chặt bỏ hàng loạt cây trồng này để thay thế bằng cây keo, các ban, ngành, đoàn thể của xã Hợp Tiến đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con giữ lại cây tre phấn.

Xã Hợp Tiến hiện có 1.631 hộ với 6.687 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (Dao, Sán Dìu) chiếm trên 70%. Với lợi thế có diện tích đất rừng sản xuất lớn, gần 4.000ha, người dân trong xã đã tập trung phát triển cây tre phấn và cây keo. Trong đó, diện tích tre phấn vào khoảng 1.600ha, được trồng ở toàn xã nhưng tập trung nhiều ở các xóm Mỏ Sắt, Cao Phong, Đèo Bụt và Bãi Vàng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng xóm Cao Phong cho biết: Cây tre phấn được người dân trong xóm đem về trồng cách đây khoảng 60 năm, nhưng lúc đầu chủ yếu phục vụ nhu cầu đan lát, làm hàng rào, quây chuồng gia súc, gia cầm... Với đặc điểm chịu hạn tốt, chi phí thấp và tốn ít công chăm sóc, chỉ sau 4-5 năm trồng là cho thu hoạch, dần dần, người dân đã mở rộng diện tích trồng tre phấn theo hướng sản xuất hàng hóa.

Dần dần, tre phấn trở thành cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập chính cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Hợp Tiến. Nhiều hộ dân trong xã còn mạnh dạn đầu tư mở xưởng sản xuất các loại tăm, tăm hương, đũa... bán trong nước và xuất khẩu. Qua đó, đã góp phần tiêu thụ nguyên liệu và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Tuy nhiên, từ đợt dịch COVID-19 lần thứ tư (tháng 4-2021), việc tiêu thụ sản phẩm từ tre phấn trở nên khó khăn. Nếu như trước đây, bình quân 1ha tre phấn, các hộ dân thu được khoảng 20 triệu đồng/năm thì từ khi dịch bùng phát, chỉ còn thu được từ 5-10 triệu đồng. Nguyên nhân dẫn đến giá tre phấn giảm, tiêu thụ khó là do các xưởng sản xuất sản phẩm từ tre phấn trên địa bàn xã không xuất bán được, sản xuất cầm chừng, nhiều xưởng phải đóng cửa.

Cách đấy 2 tháng, ông Triệu Đức Hương, xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến đã phá bỏ hơn 1ha tre phấn và thay thế bằng cây keo, bạch đàn.

Nếu như trước khi dịch COVID-19 bùng phát, trên địa bàn xã có tổng cộng 11 xưởng sản xuất sản phẩm từ tre phấn thì hiện nay chỉ còn 5 xưởng đang hoạt động. Xưởng sản xuất nguyên liệu thô để làm chổi quét của chị Triệu Thị Yên, xóm Mỏ Sắt là ví dụ. Là một trong những xưởng sản xuất lớn nhất xóm, mỗi tháng, cơ sở của chị xuất bán sang tỉnh Bắc Ninh từ 4-5 tấn nguyên liệu, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên từ tháng 4-2021 đến nay, giảm chỉ còn 2-3 tấn nguyên liệu/tháng. Chị Yên cho hay: Xưởng sản xuất của gia đình có tổng cộng 5 máy vót, trước đây, hàng ngày chúng tôi đều phải chạy hết công suất mới đủ hàng để giao, nhưng mấy tháng nay chỉ chạy 3 máy.

Với việc giá tre phấn xuống thấp, trong khi cây keo lại giữ giá ổn định nên nhiều hộ đã phá bỏ diện tích tre phấn để thay thế bằng cây keo. Gia đình ông Triệu Đức Hương, ở xóm Mỏ Sắt có 2ha tre phấn. Khi giá tre phấn xuống thấp, ông Hương đã phá bỏ hơn 1ha và thay thế bằng 1.300 cây keo, bạch đàn. Ông Hương bảo: Nếu giá tre phấn như hiện nay thì 1ha cho thu nhập chưa bằng một nửa so với cây keo sau 7 năm trồng.

Không riêng gia đình ông Hương, từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát đến nay, người dân trên địa bàn xã Hợp Tiến đã chuyển đổi khoảng 50ha tre phấn sang trồng keo. Ông Bàn Sinh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến thông tin: Những năm qua, cây tre phấn đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong xã. Đặc biệt, tre phấn đóng góp không nhỏ vào công cuộc giảm nghèo của địa phương. Vì vậy, trước việc bà con nông dân chặt bỏ cây tre phấn để chuyển sang trồng cây keo, chính quyền, các hội, đoàn thể của xã và 10 xóm đang tích cực tuyên truyền, vận động và khuyến cáo người dân không nên vội phá bỏ hoàn toàn diện tích cây tre phấn. Bởi đợi đến khi thu hoạch lứa keo đầu tiên cũng phải mất 6-7 năm nữa. Trong thời gian đó, bà con hầu như sẽ không có nguồn thu nhập, dễ dẫn đến tình trạng tái nghèo.

Được biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã chính thức “mở cửa” trở lại. Theo đó, giá bán tre phấn của bà con cũng đang dần tăng lên. Khi kinh tế - xã hội tiếp tục đà phục hồi như hiện nay, vấn đề đầu ra và giá cả của tre phấn và các sản phẩm từ tre phấn sẽ được giải quyết. Vì vậy, ngành chức năng khuyến cáo bà con không nên ồ ạt chuyển đổi cây trồng mà cần có hoạch định sản xuất lâu dài, hiệu quả để vừa có nguồn thu nhập thường xuyên, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế từ trồng rừng.