Trong bối cảnh dịch bệnh động vật, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học đóng vai trò quan trọng đối với ngành chăn nuôi, bởi đây là bước tạo đà để chăn nuôi nước nhà thúc đẩy sản xuất, có cơ hội tăng trưởng sau những khó khăn phải đối mặt trong thời gian qua.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù xảy ra dịch tả lợn châu Phi, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò, dịch cúm gia cầm trên đàn vật nuôi, song nhiều doanh nghiệp, công ty, tập đoàn lớn đã kết hợp nông hộ ở các địa phương trong cả nước chủ động nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển và tăng thêm thu nhập cho người dân.
Đã có các chuỗi liên kết trong chăn nuôi ở nhiều tỉnh, thành phố theo chuỗi khép kín từ các nguyên liệu đầu vào (thức ăn, con giống, thuốc thú y...) cho đến sản phẩm “đầu ra” và tiêu thụ sản phẩm (giết mổ, chế biến...). Đây là hình thức tổ chức phổ biến hiện nay trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bảo đảm cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất có thể chia sẻ được quyền lợi và trách nhiệm với nhau, bảo đảm cho việc điều tiết cung-cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện tại, thành phố đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết, với 59 chuỗi có nguồn gốc động vật. Một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khép kín hoạt động hiệu quả như: Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm A-Z của Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội), chuỗi trứng Tiên Viên...; các mô hình: Chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học; Ứng dụng chế phẩm sinh học, sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn với tổng quy mô 300 nghìn con tại 63 điểm với 362 hộ tham gia ở các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Thường Tín, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng.
Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long Nguyễn Trọng Long chia sẻ thêm, hiện nay sản phẩm thịt lợn của hợp tác xã được phân phối đến hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, các đơn vị có nhu cầu trên địa bàn huyện và nhiều nơi lân cận, được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ kết quả đạt được, chăn nuôi lợn sạch, thân thiện với môi trường sẽ là hướng đi chủ đạo trong những năm tiếp theo.
Tại Đồng Nai, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trần Lâm Sinh cho biết, trên địa bàn đã hình thành nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đạt giá trị kinh tế khá cao, gồm bốn chuỗi trứng gà, 13 chuỗi thịt gà, 29 chuỗi thịt lợn, ba chuỗi chế biến sản phẩm từ thịt lợn, hai chuỗi thịt bò, một chuỗi yến.
Còn ở Thanh Hóa, một số doanh nghiệp lớn (Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty CP Chăn nuôi Mavin…) đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, hình thành chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ cao đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân khi tham gia chuỗi, bảo đảm sản phẩm được tiêu thụ ở nhiều nơi trong cả nước.
Không chỉ có Hà Nội, Đồng Nai, Thanh Hóa, Hòa Bình cũng là địa phương tổ chức liên kết sản xuất chăn nuôi theo chuỗi khá tốt, có nhiều mô hình áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm từ khâu chuồng trại đến tiêu thụ. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi gà Lạc Thủy Bùi Đông Giang cho biết, do chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, cho nên gà có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đến thời điểm này, cả nước có 2.301 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 54 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh. Công tác đào tạo, tập huấn nhằm phổ biến, tuyên truyền kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm trong vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm cho người tham gia giết mổ được thực hiện thường xuyên.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh đối với chuỗi sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi, nhất là các sản phẩm đã qua chế biến ngày càng đa dạng, chất lượng tốt hơn, đem đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.
Việc kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm ngày càng được quan tâm từ Trung ương đến địa phương đã góp phần hạn chế đáng kể thực phẩm mất an toàn, chất lượng không bảo đảm lưu hành trên thị trường.