Yên Lạc đi lên nhờ cây chè

06:50, 07/12/2021

Yên Lạc là 1 trong 4 xã nằm trong vùng chè trọng điểm của huyện Phú Lương. Nhưng khác với 3 địa phương còn lại - nơi cây chè được ví như cây làm giàu thì với Yên Lạc, cây trồng này chính là cây xóa nghèo cho bà con nhân dân.

Trong 4 xã thuộc vùng chè trọng điểm của huyện Phú Lương (gồm Vô Tranh, Tức Tranh, Phú Đô, Yên Lạc) thì Yên Lạc là địa phương đi sau về phát triển kinh tế từ cây chè. Trước đây, nhân dân trong xã chủ yếu phát triển chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ và trồng lúa theo hướng tự cung, tự cấp. Còn đối với chè, mặc dù cây trồng này đã bén rễ tại địa phương từ khoảng năm 1976 nhưng suốt nhiều năm trước đây, người dân chỉ trồng chè trung du để phục vụ nhu cầu trong gia đình. Phần lớn các hộ chưa có định hướng cụ thể về phát triển cây chè để làm kinh tế. Phải đến khoảng năm 2010, khi huyện Phú Lương có chính sách phát triển cây chè ở các xã phía Đông, nhân dân địa phương mới bắt đầu chú trọng trồng và sản xuất chè theo hướng hàng hóa.

Theo đó, thực hiện kế hoạch, chính sách của huyện, từ năm 2010, UBND xã Yên Lạc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cải tạo đất, chuyển đổi diện tích chè trung du già cỗi sang các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao hơn như: LDP01, TRI777, Phúc Bát Tiên. Cùng với đó, xã vận động bà con chuyển đổi cây trồng trên đất vườn tạp, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả để mở rộng diện tích trồng chè. Nhờ vậy, đến nay, diện tích chè toàn xã đã đạt 590ha (tăng 190ha so với năm 2010), trong đó, diện tích chè cành năng suất cao chiếm trên 60%.

Xác định chè là cây trồng mũi nhọn, bên cạnh khuyến khích mở rộng diện tích, xã cũng chú trọng định hướng người dân phát triển sản xuất theo hướng an toàn và xa hơn là trồng theo phương pháp hữu cơ. Do vậy, xã đã đẩy mạnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cùng các hội, đoàn thể để mở các lớp tập huấn về sản xuất, chế biến chè. Riêng năm 2021, xã Yên Lạc đã phối hợp tổ chức được 5 lớp tập huấn kiến thức về sản xuất chè an toàn, qua đó góp phần nâng cao tay nghề chăm bón, chế biến chè của người dân, nâng cao giá trị sản phẩm chè của địa phương.

Ngoài ra, xã vận động nhân dân đăng ký nhu cầu mua máy sao chè, máy vò inox, hệ thống tưới hiện đại để lập danh sách trình lên phòng chuyên môn của huyện quan tâm hỗ trợ. Từ năm 2019 đến nay, toàn xã được hỗ trợ 20 bộ tôn quay, máy vò inox, 22 hệ thống tưới van xoay, 1 bộ tôn sao gas. Qua đó, quy trình sản xuất ở nhiều hộ đã được hiện đại hoá, chất lượng sản phẩm chè được nâng lên.

Song hành với đó, Yên Lạc cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thành lập các làng nghề, tổ sản xuất chè VietGAP, nhằm thay đổi hình thức tổ chức sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ sang liên kết tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Đến nay, xã đã thành lập được 2 tổ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích là 24,5ha. Trên địa bàn hiện có 5 làng nghề chè được UBND tỉnh công nhận. Địa phương cũng đang đồng hành cùng nhân dân 2 xóm Yên Thủy 2 và Viện Tân để hoàn thành các thủ tục xin cấp chứng nhận VietGAP trong thời gian tới.

Theo thống kê, hiện nay, hầu hết các xóm trên địa bàn xã Yên Lạc đều có diện tích trồng chè, trong đó, tập trung chủ yếu là tại các xóm phía Nam: Yên Thủy 1, Yên Thủy 2, Yên Thủy 3, Đồng Bòng… Qua tính toán, trong giai đoạn 2015–2020, năng suất chè bình quân hàng năm của xã đạt 110 tạ/ha, giá bán đạt 150-200 nghìn đồng/kg chè búp khô. Sản lượng chè búp cũng tăng dần qua mỗi năm. Cụ thể, năm 2021, sản lượng chè búp tươi dự ước đạt 6.230 tấn, tăng 230 tấn so với năm 2020. Nhờ cây chè, đời sống của người dân Yên Lạc đã có những chuyển biến tích cực.

Ông Đào Xuân Cường, Trưởng xóm Yên Thủy 2 chia sẻ: Trước đây, đời sống của bà con trong xóm khó khăn lắm. Khi Nhà nước có định hướng phát triển cây chè và nhận thấy hiệu quả kinh tế cây trồng này đem lại, từ chỗ chỉ có một vài hộ tham gia trồng, đến nay, 100% hộ dân trong xóm đã cải tạo đất để chuyển sang trồng chè, với tổng diện tích 67,5ha. Trung bình mỗi năm, bà con thu khoảng 7 lứa chè với năng suất đạt trên 2 tạ chè búp khô/ha/lứa.

Để nâng cao giá trị sản phẩm chè cung ứng ra thị trường, những năm gần đây, bà con trong xóm đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè như: Chuyển đổi giống, sử dụng tôn sao, máy vò inox, chăm sóc đúng quy trình… Nhờ đó, hiện nay, giá chè bình quân bán ra thị trường của các hộ dân trong xóm đạt khoảng 200 nghìn đồng/kg. Với giá trị kinh tế cây trồng này đem lại, thu nhập bình quân của xóm đã đạt từ 4-5 triệu đồng/người/tháng (tăng gấp đôi năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,5%.

Thực tế phát triển cây chè ở Yên Lạc những năm gần đây đã cho thấy hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế ở địa phương từng thuộc nhóm khó khăn bậc nhất của huyện Phú Lương này. Ông Nguyễn Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc cho biết: Cây chè đã góp phần tạo việc làm tại chỗ và đem lại nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định cho người dân. Đến nay, tỷ lệ hộ dân làm chè trên địa bàn chiếm tới 60%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm (tăng 6,5 triệu đồng so với năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo còn 2,4% (giảm 34,96% so với năm 2015).

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, xã Yên Lạc lên kế hoạch tập trung khuyến khích người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chè an toàn; quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Yên Lạc, đưa sản phẩm của xã sánh ngang với các vùng chè khác nổi tiếng khác trong huyện và trên toàn tỉnh.