Ngày 7-1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội tổ chức phiên thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên (ảnh).
Trong chương trình làm việc ngày thứ ba của Kỳ họp, Quốc hội dành phần lớn thời gian thảo luận trực tuyến về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những chính sách bổ sung, ngoài khuôn khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Tổng nguồn vốn cho những chính sách này trong 2 năm tới là gần 350 nghìn tỷ đồng.
Xác định đây là những chính sách rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu trước tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, các đại biểu Quốc hội nêu những kiến nghị như: Cần bảo đảm cân đối các chính sách dành cho lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực xã hội, tính toán đến vấn đề lao động, lao động phi chính thức, khôi phục cơ cấu, thị trường lao động, nâng cao chất lượng lao động; vừa bảo đảm xử lý các vấn đề cấp bách trước mắt vừa bảo đảm về lâu dài và phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế; phải có các cơ chế chính sách khác biệt nhằm bảo đảm giải ngân sớm, hấp thụ nhanh nguồn lực hỗ trợ…
Trong chương trình làm việc buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Các đại biểu đều đồng tình các nội dung trong dự thảo Nghị quyết đã cơ bản bám sát Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước; tạo cơ sở phát huy được thế mạnh về vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, lợi thế con người. Các đại biểu đề nghị trong quá trình triển khai cần có lộ trình phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm công khai, minh bạch.