Chuyện bên dòng Nạ Bẩy

07:04, 05/01/2022

Dòng Nạ Bẩy, đoạn qua xã Điềm Mặc (Định Hóa) được cư dân địa phương ví như con rồng mang nước tưới cho ruộng, nương xóm Bắc Doọc. Suốt 4 mùa, dòng nước lặng lẽ dâng hiến cho đất đai sự mát lành, để lúa đơm bông, chè nảy búp, nuôi sống người bên bờ.

Nhìn dòng nước cần mẫn theo máy bơm dẫn tưới lên đồng, gợi nhớ chuyện xưa, vùng đất này từng là nơi được Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam và đồng chí Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp ở, làm việc từ cuối năm 1947 đến năm 1949. Đây cũng là địa danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội quốc gia họp bàn kế hoạch chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng, người dân trong vùng phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, khắc phục khó khăn để xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Ông Ma Phúc Được, Trưởng xóm chia sẻ: Từ cuối năm 2019, các xóm Thẩm Doọc 1, Thẩm Doọc 2 và Bắc Chẩu được sáp nhập lại thành xóm Bắc Doọc, với 129 hộ. Cùng một dải đất kề chân Di tích lịch sử đồi Khau Tý, uống chung nước từ dòng Nạ Bẩy, nên việc sáp nhập từ 3 xóm lại thành một cũng là cơ hội tốt để người dân đoàn kết hơn.

Vuốt chòm râu trắng màu cước, cụ Ma Đình Bài, 88 tuổi, cho biết: Người dân Bắc Doọc có 2 nguồn thu nhập chủ yếu là từ cây lúa và cây chè. Cả 2 cây “kinh tế mũi nhọn” của xóm đều nhờ nước từ dòng Nạ Bẩy… Đất không ngơi nghỉ, dưới đồng vào vụ mùa có đặc sản Bao Thai; vụ xuân bà con gieo cấy một số giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao như Khang Dân, lúa lai, từ hơn 3 năm nay có thêm giống lúa mới J02. Trên nương là từng bãi chè tủa búp xanh non đợi bàn tay người thu hái.

Do tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời siêng đầu tư chăm bón, phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, năng suất lúa của xóm Bắc Doọc đạt gần 2 tạ/sào, chè đạt hơn 20kg búp khô/sào. Hỏi chuyện làm ăn, một số người dân nói ngay: Lúa có gia đình ông Nông Hữu Trung và Nguyễn Văn Kim, mỗi nhà có hơn 30 sào. Năm cấy 2 vụ thu hoạch được gần 12 tấn thóc. Để chủ động thời vụ, gia đình ông Trung, ông Kim đều tự đầu tư mua máy cày bừa, xuống mạ. Hầu hết các hộ khác cũng có máy cày bừa mini phục vụ sản xuất. Khi thu hoạch đã có một số hộ làm dịch vụ gặt, tuốt lúa tại đồng. Bà con chỉ việc gánh về, phơi khô, quạt sạch rồi cất bồ.

Nhờ có nghề mới, ông Ma Phúc Được, xóm Bắc Doọc, xã Điềm Mặc (Định Hóa) có thêm thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Xóm Bắc Doọc có gần 30ha đất cấy lúa, năng suất đạt 54 tạ/ha. Cùng cây lúa, cây chè cũng được quan tâm phát triển. Hiện 15ha chè của bà con trong xóm đang cho thu hoạch ổn định. Ông Mông Trí Quê, hộ làm chè giàu kinh nghiệm ở xóm, cho biết: Gia đình tôi có 20 sào chè, thu hái được hơn 2 tấn chè búp tươi/lứa. Sau chế biến thu được 4 tạ chè búp khô. 1 năm thu hái 7 lứa, chế biến được gần 3 tấn chè búp khô. Toàn bộ chè của gia đình được tư thương đến mua tại nhà với giá hơn 100.000 đồng/kg.

Không riêng ông Quê, ở Bắc Doọc còn có các hộ: Nịnh Văn Hơn và Lộc Văn Giàu đều là gia đình có thu nhập khá nhờ cây chè. Từ 3 năm gần đây, 2 gia đình này có tiền bán chè được hơn 100 triệu đồng/năm/hộ. Riêng nhà ông Quê thu được gần 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Ông Hơn bộc bạch: Để chủ động trong sản xuất, chế biến chè, gia đình tôi đầu tư mua máy vò, máy sao sấy, nên chè thu hoạch về được chế biến ngay trong ngày. Còn ông Giàu bảo: Mỗi lứa thu hoạch, gia đình tôi thuê thêm 3-4 nhân công nên chè luôn được thu hái kịp lứa, 1 công lao động tôi trả 200.000 đồng/ngày.

Những năm gần đây, nhiều lao động nông thôn đã tìm đến các khu công nghiệp làm công nhân, trong đó có người Bắc Doọc. Tại thời điểm này có 50 người. Nhiều người có tiền công mang về đầu tư phát triển kinh tế vườn đồi, một số hộ phát triển thêm dịch vụ cơ khí, mở cửa hàng bán lẻ, chế biến lâm sản… Cụ Bài đúc kết: Con cháu của xóm ra ngoài chủ yếu là lao động phổ thông, có hợp đồng lao động ngắn hạn, nên “ăn chắc, mặc bền” vẫn là cây lúa và cây chè. Mà nguồn nước dưỡng cho ruộng, nương là công trình thủy lợi Nạ Bẩy.