Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Thời điểm này, người dân ở Làng nghề hoa đào Cam Giá, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) đang nỗ lực để có những cây hoa đào nở đúng dịp nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đến Làng nghề hoa đào Cam Giá vào một ngày cuối tháng 12 trong tiết trời se se lạnh, đi qua các khu vườn trồng đào, chúng tôi thấy người dân đang cần mẫn làm cỏ, vun đất, chăm sóc cây. Chị Nguyễn Thị Dung, ở tổ dân phố 4 chia sẻ: Mọi công đoạn vặt, tỉa lá để cây nảy nụ đã xong từ đầu tháng 11 nên thời điểm này, tôi chủ yếu rẫy cỏ quanh gốc và lối đi. Còn gần 1 tháng nữa là Tết nên chúng tôi phải rất chú ý, tùy vào tình hình thời tiết để điều chỉnh chế độ chăm sóc, tưới nước cho cây, bởi nếu tưới nhiều nước quá thì hoa nở sớm, còn nếu không đủ nước thì nụ sẽ không phát triển. Năm nay nhà tôi có 3 sào với trên 300 gốc đào nhỏ phục vụ nhu cầu chơi Tết của các hộ gia đình. Trồng đào tuy vất vả, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nhưng so với trồng rau màu thì thu nhập cao hơn.
Cũng giống như gia đình chị Dung, ông Nguyễn Văn Tường ở tổ dân phố 4 cũng đang tất bật đổ thêm đất vào các rãnh trong vườn để chống cỏ . Ông Tường cho hay: Nhà tôi mới trồng đào được khoảng 2 năm nay. Trước đây, khu ruộng này khó lấy nước nên chỉ cấy được 1 vụ lúa nên tôi đã chuyển sang trồng đào. Tôi tham gia Hội trồng đào của phường, học hỏi thêm kinh nghiệm từ mọi người xung quanh, sau đó cải tạo lại đất và nhập các gốc đào cổ thụ về trồng. Hiện nay vườn đào nhà tôi có trên 200 gốc đào cổ thụ và gần 100 cây đào bé với 2 loại bích đào và đào phai. Cứ khoảng 2 tuần trước Tết Nguyên đán, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sẽ tìm đến vườn nhà tôi thuê đào cổ thụ về trưng Tết sớm, vì vậy tùy vào thời gian khách nhận hàng, chúng tôi sẽ lựa cách chăm sóc để hoa nở rộ đẹp nhất.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, nghề trồng hoa đào ở phường Cam Giá có từ năm 1994, khi một số hộ dân mang cây hoa đào ở vùng đất Nhật Tân (Hà Nội) về trồng tại địa phương. Sau một thời gian nhân rộng, phát triển về quy mô, diện tích, năm 2012, UBND tỉnh chính thức công nhận Làng nghề trồng hoa đào phường Cam Giá với 85 hội viên, diện tích sản xuất trên 5ha.
Đến nay, Làng nghề đã phát triển lên 225 hộ trồng, kinh doanh hoa đào với diện tích 15ha, tạo việc làm cho trên 700 lao động trực tiếp và 600 lao động thời vụ. Từ năm 2016, hoa đào nơi đây được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Cam Giá”; từ năm 2017 đến năm 2020, hoa đào Cam Giá được Hội Nông dân tỉnh công nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Những năm gần đây, người dân Làng nghề hoa đào Cam Giá đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, sáng tạo những dáng, thế mới để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, như: Đào cổ thụ, đào thế, đào bon sai, đào tự do, đào cành; hay cấy ghép một số chủng loại: Đào bích đỏ, đào bích hồng, đào thất thốn, đào phai, đào truyền thống, đào bạch… Nếu như năm 2019, toàn Làng nghề có 15.000 sản phẩm đào cổ thụ thì hiện nay đã có 17.000 sản phẩm, có những sản phẩm được cho thuê với giá 15-30 triệu đồng. Qua đó, trung bình, mỗi hộ dân trồng đào có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, góp phần ổn định cuộc sống.
Theo bà Nguyễn Thị Thuý Nga, Chủ tịch Hội Nông dân phường, thành viên Ban Quản lý Làng nghề hoa đào Cam Giá: Với sự cố gắng nỗ lực của mỗi thành viên trong Làng nghề trong những năm qua đã góp phần đưa hoa đào trở thành cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân. Tính riêng vụ Tết năm 2021, doanh thu của Làng nghề đạt 18 tỷ đồng. Vụ Tết năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dự báo hoạt động kinh doanh của bà con gặp khó khăn hơn nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm đồng hành, khuyến khích, động viên người dân nỗ lực vượt khó, thích ứng để kinh doanh đạt hiệu quả.