Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong năm 2021 đạt 2,58%, dù thấp hơn mức tăng trưởng năm 2020 với 2,91%, nhưng vẫn được đánh giá là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động nặng nề đến kinh tế-xã hội. Dự báo, năm 2022 Việt Nam hoàn toàn có niềm tin để đạt mức tăng trưởng GDP từ 6-6,5%.
Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ với báo chí.
Tăng trưởng GDP quý IV/2021 đã quay trở lại với 5,22%, giúp GDP cả năm 2021 đạt 2,58%. Bà bình luận như thế nào về kết quả tăng trưởng trên?
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Như đã công bố, GDP quý IV/2021 đã tăng trưởng trở lại, đạt 5,22% với sự phục hồi của cả 3 khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ. Trong đó, khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản quý IV tăng 3,16%; công nghiệp và xây dựng tăng 5,61% và dịch vụ tăng 5,42%.
Kết quả tăng trưởng GDP quý IV đã tạo sức bật cho nền kinh tế theo hình chữ V so với mức âm hơn 6,0% trong quý III, nhờ đó, GDP cả năm 2021 đã đạt mức 2,58%.
Mặc dù mức tăng trưởng này không cao bằng mức 2,91% của năm 2020, nhưng cũng khẳng định được nhịp tăng, giữ được mức tăng trưởng phù hợp, tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ, tiêu cực đến tăng trưởng GDP quý III.
Tăng trưởng GDP năm 2021 dù thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đã đề ra, nhưng vẫn là mức tăng trưởng được đánh giá cao trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Vậy theo bà, đâu là động lực tăng trưởng trong năm 2021?
Quý III/2021, tăng trưởng của Việt Nam âm sâu với mức trên 6%, tuy vậy, quý IV, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn với dịch, nền kinh tế đã bật tăng trở lại với 5,22%.
Theo tôi, động lực tăng trưởng trong quý IV và cả năm 2021 có thể kể đến là khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản, khu vực này đã thể hiện được vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, khi vừa đảm bảo được an sinh, an dân, lại vừa đạt mức tăng trưởng cả năm 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ được mức tăng trưởng và đảm bảo kết nối với thị trường trong nước và thế giới, tạo ra sức xuất khẩu trong quý IV tăng trưởng trở lại và kết quả xuất siêu 4 tỷ USD trong năm đã cho thấy rõ điều này.
Động lực tăng trưởng tiếp theo của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 đó là, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh của Việt Nam được củng cố, điều này cũng tạo ra kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ được khôi phục với mức tăng trưởng dương. Trong đó, toàn bộ các dịch vụ có ứng dụng công nghệ thông tin và không bị đứt gãy như: Tài chính – ngân hàng; hoạt động thông tin truyền thông; y tế; giáo dục… đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam đạt mức tăng 2,58% trong cả năm.
Mặc dù tăng trưởng GDP quý IV đã quay trở lại, tuy nhiên sự xuất hiện của biến chủng COVID-19 mới và dự báo tăng giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sẽ tiếp tục tạo ra thách thức cho tăng trưởng năm 2022. Vây để hóa giải những thách thức trên, chúng ta cần có những giải pháp gì, thưa bà?
Biến chủng COVID-19 mới là vấn đề mà toàn thế giới đang phải đối mặt, nên Việt Nam không tránh khỏi những tác động đến nền kinh tế. Theo đó, để ứng phó với diễn biến của dịch, chúng ta cần có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, nhằm giảm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe người dân và đảm bảo được hoạt động sản xuất, lưu thông, kết nối hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Trên thực tế, thời gian qua Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho công tác phòng, chống dịch thông qua chiến dịch tiêm chủng vắc-xin thần tốc. Riêng trong quý IV/2021, 110 triệu liều vắc-xin đã được tiêm, đây là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam ứng phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn cần được tiếp tục thực hiện trong những tháng đầu năm 2022.
Còn đối với giá nguyên, nhiên liệu, dự báo năm tới các chỉ tiêu về chỉ số giá sẽ có sự biến động khi nhu cầu nền kinh tế phục hồi và tăng cao hơn. Để ứng phó với vấn đề này, chúng ta cần chuẩn bị nguồn cung nguyên liệu trong nước, đặc biệt khai thác nguyên liệu có sẵn từ thị trường nội địa, để có thể làm chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như quy trình sản xuất. Cùng với đó, chủ động tìm kiếm thị trường nguyên, nhiên liệu phù hợp để đáp ứng được yêu cầu duy trì ở mức tốt nhất.
Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, theo bà liệu chúng ta có thể đạt được không?
Về dự kiến tăng trưởng của năm 2022, thời gian qua chúng ta đã có sự chuẩn bị rất tốt về nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, cũng đã nhập khẩu, cùng với đó niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam cũng được cải thiện, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2020, đã thể hiện được kỳ vọng của nhà đầu tư vào thị trường cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Từ đó, chúng tôi dự kiến, Việt Nam hoàn toàn có niềm tin vào việc đạt mức tăng trưởng từ 6-6,5% trong năm 2022.
Xin cảm ơn bà!