Phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh là yêu cầu cấp thiết để phù hợp với quy hoạch đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị, xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặt khác, đây cũng là cơ sở để thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, kích thích và định hướng tiêu dùng của cư dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Từ đó hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn toàn tỉnh...
Thực hiện chương trình phát triển thương mại giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên đã, đang tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển thương mại xứng tầm là trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc. Trong đó, các trung tâm thương mại hiện đại tiếp tục được tỉnh Thái Nguyên quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng; mạng lưới chợ nông thôn tiếp tục được nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân, doanh nghiệp.
Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại và mạng lưới chợ truyền thống được bố trí rộng khắp từ thành thị đến các vùng nông thôn trong tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 4 trung tâm thương mại, 19 siêu thị, 139 chợ đang hoạt động.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn gần 1.000 cơ sở kinh doanh và cung ứng hàng hóa các loại. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các cơ sở thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đáp ứng khá tốt nhu cầu mua sắm của người dân…
Tuy nhiên, hiện nay một số chợ trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, không đồng bộ, diện tích khai thác kinh doanh chợ không đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân, lối đi hẹp, thiếu hệ thống các công trình phụ. Nhất là vấn đề phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh môi trường chưa đáp ứng yêu cầu.
Có chợ trên địa bàn đã xảy ra cháy do chập điện và một số nguyên khác (chợ Đán và chợ Thái của T.P Thái Nguyên). Cùng đó là phần lớn các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh thiếu chỗ để phương tiện nên người dân đến mua, bán hàng hóa thường đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè gây mất mỹ quan và không đảm bảo an toàn giao thông.
Loại hình cửa hàng tự chọn đã, đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, việc quản lý chợ và điều hành hoạt động của một số chợ còn nhiều bất cập; vai trò, trách nhiệm của ban quản lý, tổ quản lý chợ chưa được phát huy, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu.
Đây là những nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ khiếu kiện kéo dài giữa các tiểu thương với ban quản lý, tổ tự quản, gây bức xúc, mất an ninh trật tự như tại các chợ: Túc Duyên, Dốc Hanh (T.P Thái Nguyên); Bắc Sơn, Thành Công (T.X Phổ Yên)...
Trước thực trạng trên, tỉnh Thái Nguyên đã hướng trọng tâm vào việc thu hút đầu tư lĩnh vực thương mại, trong đó tập trung xây dựng mạng lưới chợ. Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, ngoài những thế mạnh cần phát huy thì việc quy hoạch mạng lưới chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn cần thực hiện hiệu quả hơn nữa để phát triển đồng bộ về quy mô, tính chất và công năng tương thích với nhu cầu lưu thông hàng hóa và thị trường của từng vùng, địa bàn trong tỉnh. Đồng thời, việc sắp xếp vị trí chợ, trung tâm thương mại của tỉnh nên có điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch; cấp có thẩm quyền xem xét di dời, nâng cấp chợ cũ, phát triển thêm chợ mới ở những địa bàn mà mật độ chợ thấp, các khu dân cư mới hình thành hay phát triển chợ chuyên doanh ở một số khu vực tiêu thụ tập trung.
Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ giữ nguyên nhiều chợ hiện có; nâng cấp, cải tạo; xây mới một số chợ do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, nhu cầu do đô thị hóa, công nghiệp hóa chợ. Đặc biệt, việc quy hoạch, xây dựng chợ, trung tâm thương mại tại các xã chưa đạt mục tiêu về xây dựng nông thôn mới sẽ được tỉnh ưu tiên triển khai trong nhiệm kỳ này.