Chỉ 3 năm trở về trước, cho vay hộ nghèo còn là chương trình có dư nợ tín dụng lớn nhất, với trên 1.000 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 trong tổng dư nợ của 18 chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, nhưng nay, con số này chỉ còn 480/3.728 tỷ đồng dư nợ, chiếm gần 13%. Có thể nói, đây là một trong những tín hiệu tích cực, cho thấy số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm đáng kể. Đóng góp vào kết quả ấy, không thể không nhắc tới vai trò của nguồn vốn NHCSXH.
Cảm nhận từ cơ sở
Bà Hà Thị Học - người có hàng chục năm gắn bó với công việc Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở xóm Làng Búc, xã Đồng Thịnh (Định Hóa) chia sẻ: Có thể với nhiều người, vài chục triệu đồng không phải là số tiền lớn, nhưng với những nông dân, nhất là hộ nghèo thì đó lại là số tiền đáng mơ ước, mang nhiều ý nghĩa. Bởi với họ, ngoài NHCSXH, họ khó có thể vay mượn được ai.
Bà Học nhẩm tính: Với 36 thành viên trong Tổ, dư nợ trên 1,7 tỷ đồng, có khoảng 80-90% số hộ sử dụng vốn mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đa phần các hộ vay để đầu tư nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà, trồng rừng; số ít mua máy cày để mở dịch vụ cày thuê, hoặc mở xưởng cơ khí, chế biến gỗ. Cũng nhờ nguồn vốn của NHCSXH mà cuộc sống của nhiều hộ trở nên khấm khá; tỷ lệ hộ nghèo của xóm vì thế giảm rõ rệt. Việc thu nợ, thu lãi đến hạn của tôi cũng “nhàn” hơn, do các hộ đã chủ động, tự giác đến nộp, chứ không còn phải đi từng hộ đôn đốc như trước.
Từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện Phú Bình, gia đình bà Đào Thị Luận, xóm Dẫy, xã Đào Xá đầu tư chăn nuôi bò, qua đó, đã giúp gia đình bà có được nguồn tích lũy.
Còn theo bà Đào Thị Luận, xóm Dẫy, xã Đào Xá (Phú Bình): Vợ chồng tôi năm nay đã ngoài 60-70 tuổi và đều có bệnh nên nhiều năm liền, gia đình luôn nằm trong danh sách hộ nghèo. Cũng may, nhờ có nguồn vay từ NHCSXH nên gia đình tôi mới có điều kiện mua trâu, bò về nuôi, để sau một thời gian, gia đình có chút vốn tích lũy. Do ngôi nhà đang ở không còn đảm bảo nên đầu năm 2020, vợ chồng tôi đã quyết định xây mới. Để có tiền, tôi phải bán con bò là tài sản đáng giá nhất. Cùng lúc đó, tôi tiếp tục được Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm bình xét cho vay 70 triệu đồng từ Chương trình hộ nghèo nên tôi đã mua lại 2 con bò nái và mấy chục con gà giống. Sau đó, một con bò đã đẻ được bê con và mới đây, tôi đã bán con bê đó với giá 13 triệu đồng. Nếu không có nguồn vốn vay từ NHCSXH thì không biết đến khi nào gia đình tôi mới làm được nhà, cũng như có được nguồn sinh kế ổn định.
Linh hoạt các giải pháp
Quả thật, thực tế tìm hiểu tại nhiều hộ dân trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy rất rõ hiệu quả mà nguồn vốn chính sách mang lại cho bà con là rất lớn. Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của nguồn vốn đối với các hộ vay nên trong những năm qua, NHCSXH tỉnh luôn chủ động tham mưu cho Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh trong việc phân giao nguồn vốn khi được cấp bổ sung, cũng như việc điều chuyển nguồn vốn từ chương trình dư vốn sang chương trình thiếu vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vay của người dân tốt hơn.
Cùng với đó, đơn vị luôn chú trọng, tăng cường xử lý thu hồi nợ đến hạn theo kế hoạch nhằm tạo nguồn vốn cho vay quay vòng; thường xuyên phối hợp với UBND và tổ chức hội, đoàn thể cấp xã rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn ở các chương trình hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các hộ thuộc đối tượng; theo dõi, đánh giá hiệu quả của việc sử dụng vốn của hộ vay, để từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ cũng như xử lý kịp thời, phù hợp...
Đại diện NHCSXH tỉnh trao tặng máy tính cho em Bùi Thị Hồng Luân, ở tổ dân phố Vân Long, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ).
Riêng năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, đơn vị còn tích cực, chủ động thực hiện các quy định của Chính phủ để kịp thời hỗ trợ người vay và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Theo đó, Chi nhánh đã giải ngân cho 7 đơn vị, với số tiền vay trên 2 tỷ đồng, để trả lương cho 520 lao động, không lãi suất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện giảm 10% lãi suất cho trên 83 nghìn khách hàng còn dư nợ tại các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH từ tháng 10 đến tháng 12-2021 theo Quyết định số 1990/QĐ-TTg.
Có thể nói, hiệu quả mà nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang góp phần quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo hằng năm trên địa bàn tỉnh giảm mạnh và đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp hộ nghèo vươn lên, ổn định đời sống.
Trong những năm qua, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn bình quân của NHCSXH tỉnh luôn đạt ở mức 98-99% trên tổng nguồn vốn; nợ xấu duy trì ở mức rất thấp, chỉ khoảng 0,06% trên tổng dư nợ; tỷ lệ thu lãi, thu nợ luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra… |