Ướp hương Sói cho trà

14:32, 25/01/2022

Để góp phần làm đa dạng hơn các sản phẩm chè, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Hương, người làm chè ở thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) đã phát triển mô hình trồng hoa Sói để làm hương liệu ướp hương, kết hợp với kỹ thuật sản xuất, chế biến chè truyền thống tạo ra sản phẩm độc đáo, khác biệt. 

Tận dụng kinh nghiệm sản xuất cùng “chất” chè nổi bật của địa phương, chị Hương đã triển khai ý tưởng kết hợp hài hòa, đa dạng giữa phát triển nghề chè với tham quan, du lịch, chụp ảnh... Với khát khao và niềm đam mê khởi nghiệp, chị đã thực hiện ý tưởng của mình trên diện tích 4.000m².

Từ thực tế sản xuất tại địa phương, chị Hương nhận thấy, việc cung cấp nguyên liệu ướp hương cho chè hiện là một thị trường đang bị bỏ ngỏ, nhiều hộ chế biến chè trong vùng phải nhập hương liệu hoa Sói để ướp chè từ các vùng khác. Do vậy, chị đã học hỏi kinh nghiệm và tự trồng cây hoa Sói, vừa phục vụ khách tham quan, chụp ảnh, vừa thu hoạch để làm nguyên liệu ướp hương chè.

Chị Hương nói: Sói là một loại hoa rất lạ lùng, không có những cánh hoa rực rỡ để phô diễn mà chỉ là những bông hoa trắng nhỏ như hạt gạo, ngát hương vào mỗi sáng sớm. Gọi là hoa Sói bởi lúc sắc hương đầy đủ nhất cũng là lúc cánh hoa chia rõ làm ba múi giống như mõm của Sói trắng. Hoa Sói từ lâu đã được người làm chè Thái Nguyên sử dụng để ướp hương cho sản phẩm chè. Và ngược lại, loại trà phù hợp nhất được sử dụng để ướp với hoa Sói là giống chè trung du, chè Thái Nguyên, bởi khả năng hấp thu tinh dầu từ hoa mạnh hơn cả.

Với sự kiên trì và bền bỉ, chủ động nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, chị Hương đã tạo ra sản phẩm trà đặc biệt từ loại hoa mang hương vị đặc trưng - hoa Sói. Từ cái tên “Trà hoa Sói” đến hương vị, thức trà này đem đến cho người tiêu dùng cảm giác thoải mái với mùi hương thơm mát, nhẹ nhàng, cùng với vị trà Thái Nguyên đậm đà, ngọt hậu tự nhiên. Sản phẩm có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật lấy hương theo cách truyền thống, đồng thời sử dụng máy móc hiện đại để chế biến, tạo ra sản phẩm vừa đạt yêu cầu về chất lượng và mẫu mã đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, do hoa Sói tươi không để được lâu nên chị Hương đã liên kết với một cơ sở để chế biến bột hoa Sói khô, cung cấp cho các xưởng chế biến chè trong vùng.

Đến nay, sản phẩm Trà hoa Sói và bột hoa Sói của chị Hương đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, bước đầu khẳng định hướng đi đúng đắn. Mô hình sản xuất trà ướp hoa Sói gắn với du lịch sinh thái của chị Hương hiện đang tạo việc làm cho 5-6 lao động thường xuyên, với thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng/tháng trở lên. Hiện nay, mô hình trồng hoa Sói đã được nhân rộng ra 30 hộ dân trên địa bàn, đem lại lợi ích cho chị em phụ nữ và góp phần vào sự phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.

Chị Hương chia sẻ: Chúng tôi rất mong muốn và kỳ vọng mô hình vườn hoa sói sẽ được nhân rộng hơn nữa, được nhiều cơ sở sản xuất chế biến trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành khác biết đến. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang nghiên cứu cách sử dụng bột hoa Sói khô để làm hương liệu cho vào làm bánh, đồ uống tạo hương vị riêng cho sản phẩm. Để làm được điều đó, chúng tôi mong muốn đăng ký bản quyền, tiến tới thành lập hợp tác xã mở rộng về mặt quy mô, đưa sản phẩm có vị thế trong thị trường hơn nữa.

Bên cạnh sản xuất, chị  Hương vẫn duy trì mô hình trồng hoa kết hợp hoạt động du lịch sinh thái, trồng nhiều loại hoa phù hợp với từng mùa, đa dạng màu sắc và chủng loại như hoa Hồng, hoa Bướm, hoa Sim rừng, Lan rừng... Chị bố trí các khuôn viên, bối cảnh chụp ảnh cho khách đến tham quan, đồng thời, dành diện tích 300m2 để bán các loại giống hoa, tạo thêm thu nhập. Hoạt động này hiện đang tạo việc làm cho 15 phụ nữ.

Thành công từ mô hình đã giúp chị em phụ nữ trên địa bàn thị trấn Giang Tiên được tiếp cận với những kiến thức mới trong lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp, được chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay. Đặc biệt, với ý tưởng cùng làm, cùng phát triển, mỗi hộ gia đình có đất, có nhân lực dôi dư đều có thể trồng hoa Sói bán. Từ đó, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh, bền vững trên địa bàn.