"Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mối quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam - Nhật Bản vẫn phát triển ổn định và kỳ vọng sẽ có thêm nhiều triển vọng trong năm 2022" - ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (Jetro Hà Nội), kiêm Phó Chủ tịch JCCI (Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam) - chia sẻ với báo chí.
Ông hãy đánh giá về hợp tác kinh tế đầu tư Việt Nam - Nhật Bản năm 2021 vừa qua trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng?
Theo quan sát của chúng tôi, có nhiều chỉ số hợp tác kinh tế, đầu tư đạt tỷ lệ thấp hơn so với khi chưa có dịch COVID-19, nhưng nhìn chung, quan hệ kinh tế, đầu tư Việt Nam - Nhật Bản vẫn phát triển ổn định. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản tăng 4,8%, dù tỷ lệ tăng này không nhiều do giảm cầu tại Nhật Bản, đứt gãy tạm thời của chuỗi sản xuất, logistics vì dịch bệnh, nhưng đây cũng là một con số tích cực trong giai đoạn khó khăn.
Ngoài ra, trước làn sóng dịch chuyển đầu tư, Việt Nam vẫn là điểm đến tiềm năng được nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm. Trong 11 tháng năm 2021, dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tăng 54% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, vốn đầu tư mới chiếm 73,4%, vốn đầu tư mở rộng chiếm 20,4%. 11 tháng năm 2021, đã có 183 dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam, trong đó có 2 dự án quy mô lớn là Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, có tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD tại Cần Thơ và Dự án Nhà máy sản xuất giấy Kraft Vinva (Rengo), tổng vốn đăng ký 611,4 triệu USD tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Chính phủ Việt Nam đã chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19. Ông dự báo thế nào về cơ hội và triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam cũng như hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2022?
Việt Nam đang ở vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vì thế việc ngừng sản xuất ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến thế giới. Theo đó, các công ty nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, đánh giá cao quyết định của Chính phủ Việt Nam về chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, từng bước mở cửa kinh tế. Theo dự báo của nhiều tổ chức, GDP của Việt Nam năm 2021 có khả năng khoảng 1,5 - 3%, đây vẫn là mức tăng trưởng thấp so với mức 2,9% vào năm 2020. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều dự đoán lạc quan hơn đối với nền kinh tế Việt Nam đó là sẽ phục hồi hình chữ V vào năm 2022. Dự đoán này cũng phù hợp với khảo sát của Jetro.
Theo khảo sát gần đây của Jetro, năm 2021 là một năm đầy thách thức đối với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, chỉ 31% công ty (con số này thấp hơn so với kết quả khảo sát các nước khác trong ASEAN) nói rằng lợi nhuận của họ đã được cải thiện kể từ năm 2020. Tuy nhiên, đề cập đến năm 2022, 56% doanh nghiệp cho rằng tình hình hoạt động kinh doanh của họ sẽ được cải thiện và phục hồi.
Bên cạnh đó, theo khảo sát của chúng tôi, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn luôn coi Việt Nam là cơ sở để mở rộng sản xuất, xuất khẩu ra thị trường thế giới và thị trường nội địa. Cùng với đó, trong tương lai, chúng tôi cho rằng, hợp tác thương mại hai bên chắc chắn sẽ có sự bứt phá hơn nữa bởi nỗ lực tạo thuận lợi thương mại của hai Chính phủ...
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước phục hồi, phát triển vào năm 2022, Jetro Hà Nội sẽ có những hoạt động trọng tâm nào tới đây, thưa ông?
Để thúc đẩy kinh doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam, Jetro Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc triển lãm thương mại và kết hợp kinh doanh trực tuyến, hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến để tạo cơ hội giao thương cho doanh nghiệp hai bên. Dự kiến, Jetro sẽ phối hợp với Chính phủ Việt Nam tổ chức hội nghị đầu tư Việt Nam, tổ chức tọa đàm thu hút đầu tư vào các địa phương. Thông qua các hội nghị đầu tư, sự kiện đối thoại với chính quyền địa phương kết hợp với các chuyến thị sát, chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước, nhất là nhà đầu tư Nhật Bản tiếp cận cơ hội cũng như có định hướng đầu tư, kinh doanh phù hợp.
Xin cảm ơn ông!