Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), T.P Sông Công đã và đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, khai thác tiềm năng và lợi thế, từng bước xây dựng những nông sản đặc trưng thành sản phẩm OCOP. Đây được xem là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần nâng tầm giá trị nông sản của địa phương.
2021 là năm đầu tiên Hợp tác xã (HTX) sản xuất và chế biến chè Thắng Lợi, thuộc phường Thắng Lợi đưa các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Kết quả tương đối thành công khi HTX có 2 sản phẩm là Tuyệt đỉnh trà và Trà truyền thuyết được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao.
Anh Dương Xuân Hà, Giám đốc HTX cho biết: Để tham gia Chương trình OCOP, chất lượng sản phẩm luôn được chúng tôi ưu tiên, cùng với đó, HTX không ngừng cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm. Việc được chứng nhận OCOP đã mở ra cơ hội tiêu thụ tốt hơn, là động lực để HTX tiếp tục nâng tầm chất lượng, đưa ra thị trường những sản phẩm có sức cạnh tranh cao.
Theo ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công: Trong số các loại nông sản của địa phương, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển và xây dựng các sản phẩm chè trở thành sản phẩm OCOP. Chỉ tính riêng năm 2021, thành phố đã hỗ trợ cây giống để trồng mới, trồng lại 14ha chè cành tại các xã, phường: Bá Xuyên, Bình Sơn, Châu Sơn, Lương Sơn; hỗ trợ 3 máy chế biến chè tại xã Bình Sơn và phường Thắng Lợi; hỗ trợ lắp đặt các điểm tưới tiết kiệm với diện tích hơn 10ha tại xã Bình Sơn, phường Lương Sơn. Để tạo dựng thương hiệu và liên kết sản xuất, thành phố cũng đã cực tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất tham gia thành lập mới, duy trì, phát triển các HTX, tổ hợp tác, làng nghề sản xuất chè an toàn. Năm 2021, T.P Sông Công có 4 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP đạt 3 sao và 4 sao.
Hay đối với bưởi Diễn - sản phẩm nổi bật, đặc trưng của xã Tân Quang, thời gian qua, cùng với việc tuyên truyền, vận động bà con tích cực sản xuất theo quy trình VietGAP, thành phố cũng đã thực hiện nhiều chương trình, cơ chế, hỗ trợ với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng, bao gồm: Chi phí hỗ trợ trồng mới, chi phí lắp đặt giàn tưới tiết kiệm nước, chi phí chứng nhận VietGAP… Hiện, thành phố đang tích cực phối hợp xúc tiến thương mại xây dựng thương hiệu để quảng bá sản phẩm và liên kết đầu ra ổn định; tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật để việc trồng bưởi trên địa bàn mang lại hiệu quả cao, ổn định, hướng tới sản phẩm OCOP.
Nhằm hỗ trợ xây dựng các sản phẩm OCOP, T.P Sông Công cũng đã triển khai Chương trình OCOP tới các địa phương; khuyến khích các tổ chức kinh tế, đặc biệt là các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn xây dựng các sản phẩm đặc trưng, đảm bảo các tiêu chí như: Nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và tính bền vững. Trên cơ sở đó, nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể tham gia OCOP tập trung cải tiến, hoàn thiện tạo mã QR, nhãn mác, thiết kế bao bì sản phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng website bán hàng…
Thực tế cho thấy, việc tham gia Chương trình OCOP thời gian qua đã mang lại kết quả tích cực cho các chủ thể sản xuất trên địa bàn T.P Sông Công. Giai đoạn 2019-2021, thành phố có 9 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP, trong đó có 5 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 4 sản phẩm được xếp hạng 3 sao. Giai đoạn 2022-2025, Sông Công phấn đấu có ít nhất 12 sản phẩm (chủ yếu là chè, bưởi, gạo) được chứng nhận OCOP.
Để thực hiện mục tiêu này, cùng với việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, thành phố cũng sẽ triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm nâng tầm nông sản địa phương. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí tập huấn, học tập kinh nghiệm phát triển sản phẩm OCOP 50 triệu đồng/lớp; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP đạt 3 sao là 20 triệu đồng, 4 sao là 30 triệu đồng/sản phẩm, 5 sao là 40 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác có mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ thỏ là 400 triệu đồng/mô hình, từ chè 400 triệu đồng/mô hình...