Sau Tết, nông dân thận trọng tái đàn

07:30, 19/02/2022

Sau Tết Nguyên đán, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thường tập trung tái đàn nhằm khôi phục sản xuất, đảm bảo nguồn cung phục vụ thị trường. Tuy nhiên, năm nay, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, dịch COVID-19 vẫn diễn biễn phức tạp, cộng với việc thời tiết mưa rét kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi nên bà con rất thận trọng trong việc tái đàn.

Dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần vừa qua, gia trại của anh Nguyễn Văn Trọng, xóm Đồng Bầu, xã Tân Khánh (Phú Bình) xuất bán trên 2.000 con gà thịt. Với giá bán 85 nghìn đồng/kg, anh Trọng thu lãi trên 40 triệu đồng. Tuy vậy, đã qua Tết hơn nửa tháng nhưng thời điểm này, anh vẫn chưa tái đàn.

Anh Trọng cho biết: Hiện trong chuồng của nhà tôi vẫn còn 4.000 con gà. Với thời tiết mưa ẩm, rét đậm, rét hại như hiện nay, tôi chỉ tập trung chăm sóc đàn gà khỏe mạnh chứ cho chưa kế hoạch tái đàn vì lo ngại dịch bệnh, thời tiết. Đến đầu tháng 3, khi thời tiết ấm hơn, tôi sẽ vào đàn khoảng 1.000 con gà, giảm một nửa so với mọi năm vì giá cám tăng cao và dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. 

Tương tự, với các hộ, cơ sở chăn nuôi khác trong toàn tỉnh, bà con cũng rất cẩn trọng khi tái đàn. Anh Nguyễn Quốc Phương, xóm Đầm Rum, xã Ôn Lương (Phú Lương) chia sẻ: Hiện tại, trong chuồng của gia đình tôi vẫn còn gần 400 con lợn, trong đó có 60 con lợn nái và 70 con lợn giống. Đợt Tết vừa qua tôi xuất bán 110 con lợn (trọng lượng trung bình 1,2 tạ/con), với giá bán 57 nghìn đồng/kg, tôi gần như hòa vốn. Vì vậy, tôi chưa có kế hoạch nhập thêm lợn giống từ bên ngoài mà chỉ duy trì đàn hiện tại.

Còn ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi xanh, tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (T.P Sông Công) cho hay: Nếu như những năm trước, vào thời điểm sau Tết, HTX thường nhập từ 300-400 con lợn giống để tái đàn, nhưng năm nay, do lo ngại dịch COVID-19 nên chúng tôi chỉ tiếp tục chăn 40 con lợn nái và 600 con lợn thương phẩm. Với quy mô chăn nuôi 1.000 con lợn/năm, bên cạnh công tác khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại, chú trọng tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi, chúng tôi cũng chú trọng đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn lợn phát triển khỏe mạnh.

Tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, thời điểm này phần lớn các hộ chăn nuôi đều thận trọng lựa chọn thời điểm tái đàn. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa vào đàn, thậm chí bỏ trống chuồng do lo ngại chi phí chăn nuôi, giá cám tiếp tục tăng cao và thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo kế hoạch, năm 2022, Thái Nguyên phấn đấu giá trị sản xuất ngành Chăn nuôi đạt 6.800 tỷ đồng. Cụ thể, đàn lợn đạt 580.000 con, sản lượng thịt lợn hơi đạt 86.000 tấn; đàn gia cầm duy trì khoảng 15,5 triệu con, sản lượng thịt hơi đạt 59.000 tấn; đàn trâu, bò là 89.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 11.000 tấn. Để hoàn thành kế hoạch trên, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tiếp tục chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Cụ thể, chỉ đạo cán bộ khuyến nông, lực lượng thú y viên bám sát cơ sở, khuyến cáo người dân duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm đủ cung cấp con giống phục vụ nhu cầu tái đàn khi thị trường ổn định trở lại; nghiên cứu kỹ thị trường để có kế hoạch tái đàn phù hợp, duy trì chăn nuôi ở mức hợp lý, tránh tình trạng cung vượt quá cầu. Khi tái đàn, bà con được khuyến cáo cần chọn con giống tốt, sạch bệnh. Đồng thời vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo hướng dẫn của cơ quan chức năng… Ngoài ra, với tình hình giá cám công nghiệp tăng cao như hiện nay thì các hộ chăn nuôi cần có phương án tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để phối trộn thức ăn phù hợp, hạn chế tối đa chi phí sản xuất.