Xăng dầu tăng giá: Người bán - người mua đều gặp khó

09:00, 23/02/2022

Mặc dù nằm trong dự đoán nhưng việc xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng giá vào chiều 21-2 đã khiến cả người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói riêng vốn đang chịu tác động không nhỏ từ dịch COVID-19 lại càng thêm khó khăn, lo lắng. Thực tế này đang rất cần sự can thiệp từ Chính phủ.

Từ 15 giờ ngày 21-2, giá xăng E5 RON 92 được bán ra ở mức 25.530 đồng một lít, còn RON 95 là 26.280 đồng/lít (tăng thêm 960 đồng/lít). Đây là mức cao nhất trong vòng 17 năm trở lại đây, còn giá xăng E5 RON92 cũng ở mức gần tương đương mức đỉnh năm 2014.

Cũng trong đợt này, giá các mặt hàng dầu tăng từ 280-940 đồng/lít, tùy loại. Đây là kỳ tăng giá liên tiếp thứ 5 kể từ cuối năm 2021 đến nay và chỉ trong vòng khoảng 2 tháng trở lại đây, mỗi lít xăng đã tăng tới gần 3.500 đồng/lít; còn dầu diesel tăng 3.470 đồng; dầu hoả tăng 3.180 đồng/lít.

Theo ông Nguyễn Văn Huệ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Bắc Thái (Petrolimex Bắc Thái): Việc xăng dầu liên tiếp tăng giá không chỉ làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người tiêu dùng, mà ngay chính các công ty kinh doanh xăng dầu cũng nằm trong tình trạng chung đó. Khi giá tăng, chúng tôi phải cần vốn nhiều hơn, dẫn đến chi phí tài chính tăng. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng lại giảm do người dân, doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu.

Còn theo bà Phạm Khánh Vân, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP CNT Group (xã Cao Ngạn, T.P Thái Nguyên) thì việc giá xăng dầu liên tiếp tăng trong những ngày vừa qua đang khiến Công ty rơi vào tình trạng càng bán càng lỗ. Nếu như bình thường, mỗi lít xăng dầu, chúng tôi được hưởng hoa hồng 600-700 đồng, sau khi trừ các khoản chi phí như khấu hao tài sản, nhân công, lãi suất ngân hàng,… thì còn lãi từ 100-200 đồng/lít. Nhưng nay, mức hoa hồng chỉ còn bằng một nửa nên doanh nghiệp không còn lãi, thậm chí là lỗ.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều cây xăng tại một số tỉnh, thành thời gian qua phải tạm thời đóng cửa. Chính vì thế, chúng tôi không dám ký thêm hợp đồng cung cấp mới, mà chỉ cố gắng thực hiện những hợp đồng đã ký để đảm bảo chữ tín cũng như duy trì việc bán lẻ theo quy định. Nếu không đảm bảo được các yếu tố này đến khi giá cả ổn định, thị trường hoạt động bình thường, Công ty sẽ không giữ được khách hàng - bà Phạm Khánh Vân nói thêm.

Vậy đối với người tiêu dùng thông thường thì sao? Ông Nguyễn Văn Tuấn, một lái xe ôm hoạt động tại Bến xe Khách Thái Nguyên, chia sẻ: Dịch COVID-19 thời gian qua đã đủ khiến những người làm nghe xe ôm chật vật vì ít khách, giờ xăng dầu lại liên tục tăng giá càng khiến công việc mưu sinh của chúng tôi thêm vất vả. Nghề chạy xe ôm chẳng khác gì đi câu, hôm được, hôm không. Như hôm nay, cả buổi sáng tôi chỉ kiếm được gần 100 nghìn đồng. Trong đó, 30% trích cố định về Công ty, số còn lại chỉ đủ tiền xăng và suất cơm bụi buổi trưa. Hiện, chúng tôi vẫn đang thu theo giá niêm yết của Công ty (từ 1-5km là 6 nghìn đồng/km; 6-10km là 5 nghìn đồng, trên 11km là 4 nghìn đồng). Mặc dù rất muốn nhưng chúng tôi không được phép tự ý tăng giá trong khi các chi phí đều tăng nên thu nhập chẳng còn lại chẳng đáng bao nhiêu. Một số người vừa lo ngại dịch, vừa thấy thu nhập giảm đi nên đã nghỉ việc. Nhiều người trêu tôi, chạy xe vì đam mê vì nếu tình hình này còn kéo dài, chắc không đủ sống!

Còn anh Đặng Ngọc Tú, nhân viên Công ty chuyển phát nhanh ZTO Express, nói: Tham gia công việc shipper được 2 năm kể từ ngày xuất hiện dịch COVID-19, tôi thường xuyên di chuyển trên đường để giao hàng cho khách, nên lượng xăng tiêu thụ bình quân 2 lít/ngày, tương đương khoảng 50 nghìn đồng. Giá xăng mỗi lúc một tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của chúng tôi, bởi tiền xăng là do chúng tôi tự chi trả. Ngoài mức lương cố định, mỗi đơn chúng tôi chỉ được trả 3 nghìn đồng bất kể xa hay gần. Giá xăng lên cao, chúng tôi phải tìm các cách để tiết kiệm tối đa. Mỗi đơn hàng cần giao, tôi đều phải tìm kiếm quãng đường sao cho ngắn nhất và phải sắp xếp để mỗi cung đường trả được nhiều đơn cho khách nhất có thể, tránh việc phải vòng đi vòng lại…

Có thể nói, việc tăng giá xăng dầu là điều không ai muốn vì cũng như các quốc gia khác, giá mặt hàng này lâu nay của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào giá thế giới, mặc dù chúng ta đã tự đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu về xăng. Việc giá mặt hàng này liên tiếp tăng trong thời gian qua rất cần sự can thiệp của Chính phủ, thông qua giảm các loại thuế, phí… để giúp người dân, doanh nghiệp vơi bớt khó khăn trong giai đoạn “khó trồng khó” hiện nay.