“Xin chào các bạn nhé! Tân đang đứng ở một vườn chè trung du cổ. Hôm nay, mình sẽ lý giải tại sao khi nhắc đến Thái Nguyên là nhiều người nghĩ ngay tới cây chè, nhất là vùng chè Tân Cương…” - chị Hoàng Thị Tân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tâm Trà Thái, ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) bắt đầu như vậy trong một buổi phát trực tiếp (livestream) trên nền tảng mạng xã hội Facebook.
Chuyển đổi số đang là xu hướng ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp dường như là chất xúc tác giúp quá trình này tiến nhanh hơn. Đơn cử như chỉ với một chiếc đèn led hỗ trợ cùng điện thoại thông minh, chị Hoàng Thị Tân đã có thể kết nối rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Ở đó, chị giới thiệu những nét đặc biệt của vùng đất Tân Cương - nơi làm nên sản phẩm trà ngon nức tiếng; quy trình chăm sóc, chế biến chè và những sản phẩm chè đặc biệt HTX Tâm Trà Thái đang có.
“Ban đầu, bản thân tôi cũng không tự tin lắm, nói chuyện hay bị vấp. Về kỹ thuật thì tôi chưa biết cách căn chỉnh khung hình hay lấy nét; có lúc đang quay thì mất mạng hay có cuộc gọi đến khiến buổi phát sóng bị gián đoạn. Nhưng quen tay hay việc, giờ mình nói đã mượt mà hơn, fanpage của HTX ngày càng có nhiều người đăng ký theo dõi và quan tâm tìm hiểu về các sản phẩm chè cũng như mảnh đất Tân Cương.” - Chị Tân nói.
Theo dõi một số buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội của HTX Tâm Trà Thái, chúng tôi nhận thấy việc chuẩn bị kịch bản và các nội dung khá kỹ lưỡng. Từ kỹ thuật pha trà, cách thưởng thức và những dòng sản phẩm của đơn vị được giới thiệu một cách khéo léo, hấp dẫn. Giao diện màn hình dành một vị trí thuận lợi để hướng dẫn người xem cách đăng ký mua sản phẩm và mã QR nguồn gốc xuất xứ.
Chị Hoàng Thị Tân (bên trái), Giám đốc HTX Tâm Trà Thái tham gia buổi livestream giới thiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP do Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức.
Theo địa chỉ đường link dẫn tới trang web của HTX, khách hàng có thể kiểm tra thông tin đăng ký trên hệ thống thương mại điện tử của Bộ Công Thương; giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; mẫu mã và giá bán của từng sản phẩm. Đặc biệt là dòng giới thiệu rất ấn tượng: “Tâm Trà Thái cam kết sản phẩm trà sạch Thái Nguyên không sử dụng chất bảo quản, mùi vị hóa chất, nguyên liệu tạo ngọt. Cho phép đổi trả, hoàn tiền nếu không đạt yêu cầu về chất lượng”.
Chị Nguyễn Thị Mỹ, thành viên HTX Tâm Trà Thái chia sẻ: Nông dân chúng tôi giờ đã biết đến thương mại điện tử rồi. Ngoài thời gian lao động trên nương chè hay trong xưởng chế biến, chị em được hướng dẫn thêm kỹ năng giới thiệu sản phẩm và cách tương tác với khách hàng hiệu quả. Chỉ cần có chiếc điện thoại là ai cũng có thể bán hàng trực tuyến được.
Được biết, HTX Tâm Trà Thái có 8 thành viên sáng lập và 29 hộ liên kết sản xuất với tổng diện tích canh tác gần 20ha. Trong năm 2021, có trên 80% sản lượng của đơn vị được tiêu thụ qua kênh bán hàng trực tuyến và sàn giao dịch điện tử, như: Shopee, Lazada, Voso… Tâm Trà Thái đang thực hiện 2 dự án về công nghệ là gắn mã vùng trồng để chuẩn bị cho việc xuất khẩu chè đi các nước châu Âu và chuyển đổi canh tác theo quy trình VietGAP sang hướng hữu cơ.
Đặc biệt, thực hiện chương trình chuyển đổi số của tỉnh, HTX Tâm Trà Thái là một trong số những đơn vị được chọn áp dụng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Trên giao diện ứng dụng cài đặt của điện thoại, các thành viên dễ dàng cập nhật thông tin sản phẩm từ giống chè; thời gian và loại phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng, quy trình chế biến... Với hệ thống này, khách hàng có thể kiểm tra thông tin đến tận hộ sản xuất.
Chị Hoàng Thị Tân nói thêm: Trước đây, tôi cứ nghĩ chuyển đổi số là cái gì đó xa vời lắm. Thực tế nó đơn giản là việc ứng dụng công nghệ và các tiện ích nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng tiêu thụ sản phẩm. Nếu biết chủ động và nắm bắt tốt các cơ hội, người nông dân hoàn toàn có thể thành công.