Sông Công tập trung phát triển đai rừng ven đô

07:16, 09/03/2022

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn, thời gian qua, cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích rừng, T.P Sông Công đã chú trọng phát triển kinh tế dưới tán rừng, trồng rừng gỗ lớn. Qua đó, không chỉ phát huy hiệu quả tài nguyên đất rừng, đảm bảo độ che phủ, cải thiện môi trường sinh thái mà còn góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển bền vững.  

Là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất thành phố với hơn 900ha, những năm qua, nghề trồng rừng đã giúp không ít hộ dân tại xã Bình Sơn vươn lên thoát nghèo. Coi trọng việc phát triển rừng, hằng năm, người dân trong xã trồng mới 30-40ha.

Để có được kết quả này, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã cũng phối hợp triển khai kịp thời các dự án hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, nhờ đó người dân tích cực trồng rừng thay thế diện tích đất hoang hóa hoặc rừng tái sinh có giá trị thấp. Đến nay, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn đã được phủ kín bởi màu xanh của các loại keo, mỡ, bồ đề. Đặc biệt năm 2021, xã Bình Sơn tập trung phát triển rừng gỗ lớn với diện tích 10ha, đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng, góp phần mang lại lợi ích lâu dài.

Cùng với khuyến khích nhân dân tích cực trồng rừng, T.P Sông Công cũng chú trọng kết hợp các mô hình trồng cây dược liệu, cây ngắn ngày dưới tán rừng nhằm tận dụng tối đa diện tích đất rừng, tăng thu nhập. Tại phường Châu Sơn, mô hình trồng cây ba kích tím dưới tán rừng đã được triển khai trên quy mô 5ha, với 18 hộ tham gia. Theo tính toán của người dân, trung bình 1ha (tương đương khoảng 4.000 cây), bà con thu được khoảng 6 tấn củ tươi. Với giá bán ngoài thị trường dao động khoảng 100-130 nghìn đồng/kg, người dân thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Là hộ dân tiên phong trồng cây ba kích tím dưới tán rừng với diện tích gần 2ha, anh Nguyễn Văn Chỉnh, ở tổ dân phố Vinh Quang 2, phường Châu Sơn, cho biết: Trồng cây ba kích dưới tán rừng, gia đình tôi đã tận dụng được diện tích đất lâm nghiệp để lấy ngắn nuôi dài, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.

Trên cơ sở này, T.P Sông Công đã triển khai nhân rộng và thực hiện Dự án “Liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm từ nuôi trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO” với quy mô 5ha tại xã Bá Xuyên và một số xã, phường khác.

Ông Nguyễn Ngọc Huân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm T.P Sông Công, thông tin: T.P Sông Công hiện có khoảng 2.000ha đất lâm nghiệp, tập trung nhiều ở các xã, phường: Bình Sơn, Châu Sơn, Bá Xuyên… Qua đánh giá cho thấy, ngành Lâm nghiệp trên địa bàn những năm gần đây có mức tăng trưởng khá. Đối với 1ha rừng đến chu kỳ khai thác (sau 7-8 năm trồng) có thể mang lại nguồn thu nhập 90-100 triệu đồng, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho không ít hộ dân. Hằng năm, diện tích rừng được trồng bổ sung sau chu kỳ khai thác đạt trên 70ha. Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của thành phố giữ ổn định từ 21% trở lên, trên địa bàn không còn diện tích đất trống đồi trọc.       

Nhằm tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế rừng, thành phố tập trung rà soát diện tích đất lâm nghiệp đang được sử dụng để sản xuất nông lâm kết hợp, hoàn thiện hồ sơ để thực hiện cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, hướng dẫn địa phương và các chủ rừng thực hiện đầy đủ quy định về nguyên tắc, đối tượng, tỷ lệ diện tích và phương thức thực hiện sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp kết hợp. Địa phương cũng định hướng phát triển rừng trồng gỗ lớn tại xã Bình Sơn, phường Châu Sơn với diện tích phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 100ha, gắn với chương trình bảo vệ và phát triển rừng, phát triển công nghiệp chế biến gỗ và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Thành phố phấn đấu năng suất rừng trồng đạt trên 12m3/ha/năm; trữ lượng trên 150m3/ha/chu kỳ 12 năm. Qua đó, nâng giá trị trên 1ha rừng trồng gỗ lớn tăng từ 2,5-3 lần so với rừng nguyên liệu gỗ nhỏ; giá trị sản xuất ước đạt 225 triệu/ha/chu kỳ.    

Để khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích rừng, T.P Sông Công sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho người dân. Đồng thời triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và địa phương đối với người trồng rừng; tích cực triển khai các dự án phát triển nông nghiệp gắn với lâm nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trong đó, nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu (ba kích, đinh lăng) đối với vùng có điều kiện chuyển đổi diện tích rừng keo năng suất thấp sang trồng cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế, hướng tới phát triển rừng bền vững.