Thiếu lao động do dịch: Doanh nghiệp không quá lúng túng

09:14, 08/03/2022

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh cũng đã có những điều chỉnh, thay đổi để vừa mở cửa sản xuất, kinh doanh vừa ngăn chặn dịch, thích ứng an toàn với tình hình mới.

Trải qua hơn 2 năm với 4 đợt dịch nhưng, đây là thời điểm Thái Nguyên có nhiều DN với số lượng công nhân, người lao động mắc COVID-19 cao nhất. Chỉ tính riêng tại các khu công nghiệp với gần 100.000 lao động đang làm việc thì đã có khoảng 10% lao động nhiễm COVID-19, trong đó 50% F0 đã điều trị khỏi bệnh.

Tuy số lượng công nhân, người lao động bị nhiễm COVID-19 đang tăng từng ngày nhưng trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, cùng với việc hầu hết đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 nên mọi người vẫn yên tâm sản xuất, không quá hoang mang, lo lắng như trước đây. Công nhân là F0 sẽ được nghỉ, sau 7 ngày âm tính trở lại làm việc bình thường.

Một số công ty linh hoạt điều chuyển nhân viên để đảm bảo hoạt động hay cho phép khối văn phòng làm việc tại nhà. Các ngành chức năng và đặc biệt là tổ chức công đoàn đang tăng cường thực hiện giám sát việc đảm bảo các chế độ, quyền lợi chính đáng của người lao động như chế độ lương, bảo hiểm….

Ông Trần Quốc Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Mặc dù khó khăn khi vừa phải bảo đảm phòng chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhưng phần lớn các DN không lúng túng mà đã linh hoạt, chủ động hơn trong việc thay đổi kế hoạch hoạt động; thay đổi kịch bản phòng, chống dịch để bảo đảm sức khỏe cho công nhân, lao động. Còn người lao động không hoang mang, lo lắng, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch và chủ động báo cáo tình hình sức khỏe, test nhanh COVID-19, khai báo với DN và chính quyền địa phương khi có kết quả nhiễm COVID-19.

Với phương châm tận dụng các cơ hội để mở cửa sản xuất, kinh doanh nhưng không mở cửa cho dịch bệnh tràn vào, ngay những tháng đầu năm, các DN đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp để thích ứng với tình hình mới.

Ông Ngô Quang Bình, Phó Giám đốc Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (T.P Sông Công) cho biết: Ngay từ đầu năm, Công ty đã k‎í kết được nhiều đơn hàng xuất khẩu cho các đối tác như Công ty Honda, Công ty Piaggio, Công ty Nissin. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Công ty bị thiếu hụt khoảng 10% lao động là các trường hợp F0, F1. Để khắc phục tình trạng này, Công ty đã cho lao động làm việc cả vào ngày thứ 7; một số bộ phận thiếu hụt trầm trọng lao động thì Công ty có thể tăng lên 3 ca/ngày. Đối với người lao động thuộc diện cách ly theo quy định, Công ty sử dụng quỹ phúc lợi để hỗ trợ chi trả tiền lương giúp họ yên tâm cách ly và sớm quay trở lại làm việc.

Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar sản xuất pin mặt trời tại KCN Yên Bình (Phổ Yên).

Còn Công ty Young Jin Hi-Tech Việt Nam Company Limited ở Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình) - chuyên sản xuất linh kiện điện thoại, hiện thiếu khoảng 200 lao động. Để khắc phục tình trạng này, Công ty phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất theo hướng tập trung ưu tiên sản xuất các đơn hàng cần giao sớm, có số lượng lớn; thuê dịch vụ cung ứng lao động thời vụ để bù đắp tạm thời thiếu hụt; đề nghị đối tác gia hạn thời gian giao hàng so với kế hoạch đã k‎‎í…

Không chỉ các DN lớn rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động mà tình trạng này cũng xảy ra tại các hợp tác xã. Đơn cử, tại Hợp tác xã Dịch vụ may mặc Võ Nhai, đơn vị chuyên may túi đựng thực phẩm xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Do ảnh hưởng của dịch nên số lao động của chúng tôi biến động theo ngày. Hiện nay, trung bình số lao động chỉ còn khoảng 30 người, giảm 50% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Thiếu lao động khiến sản lượng sụt giảm, chỉ đạt trung bình ngày 3.000 túi/ngày (giảm 50% so với thông thường). Để khắc phục tình trạng trên, Hợp tác xã đang tích cực tuyển mới thêm 150 lao động; thực hiện tăng ca đối với người lao động và xin giảm đơn hàng gia công với Tổng Công ty…

Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các DN sản xuất trên địa bàn tỉnh vào thời điểm này. Để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho các đối tác trong bối cảnh dịch kéo dài, các DN đã tính đến đổi mới mô hình sản xuất, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động, chú trọng đào tạo, đào tạo lại và trang bị nền tảng quản trị DN hiện đại, chuyên nghiệp. Đồng thời chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ để biến thách thức thành cơ hội, mở rộng thị trường.

Việc chuyển trạng thái phòng, chống dịch để đẩy mạnh phát triển kinh tế vừa là cơ hội vừa là những thách thức mới cho cả DN và nền kinh tế. Để thích ứng, phát triển trong tình hình mới, cùng với sự vào cuộc của chính quyền, từng doanh nghiệp phải tận dụng lợi thế, cơ hội, xu thế và sự sáng tạo, chuyển động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời tối ưu hóa chuỗi cung ứng và khả năng tương tác với các DN cùng ngành, DN đối tác đủ khả năng kháng cự và chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh…