Vỗ béo gia súc, đồng bào vùng cao nuôi giấc mơ làm giàu

07:47, 22/03/2022

Với diện tích đất tự nhiên rộng cùng những cánh rừng bạt ngàn, nguồn thức ăn dồi dào, những năm gần đây, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Đây là hướng đi không mới, song lại khai thác được lợi thế của miền rừng núi nhằm phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Những năm gần đây, tận dụng diện tích đất tự nhiên rộng (khoảng 500ha), lại có nhiều dãy núi đá vôi, rừng tự nhiên bao quanh, đồng bào dân tộc Dao ở xóm Đồng Bản, xã Bình Long đã tập trung phát triển chăn nuôi dê. Tuy nhiên, ban đầu người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, trung bình mỗi hộ chỉ có từ 4-5 con dê và đa phần chăn thả trên núi. Sự thay đổi đến từ khoảng 3-4 năm trở lại đây, khi bà con dần chuyển đổi sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, với số lượng lớn.

Anh Phan Văn Cẩn, một người dân trong xóm, chia sẻ: Năm 2010, gia đình tôi mua 5 con dê về thả trên núi đá gần nhà. Sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi, lại nhận được sự động viên của cán bộ xã cùng với nhận thấy nhu cầu thị trường tăng, năm 2018, tôi chuyển sang nuôi dê theo hướng bán chăn thả, với tổng đàn thường xuyên duy trì gần 50 con. Mỗi năm, gia đình tôi bán ra thị trường khoảng 15 con dê thịt và dê giống. Mỗi con dê thịt trọng lượng từ 40-45kg có giá 4 đến 4,5 triệu đồng. Tính ra cũng được một khoản kha khá.

Ông Lý Văn Quê, Trưởng xóm Đồng Bản, cho biết: Ngoài lợi thế diện tích núi đá rộng thì thức ăn cho dê ở đây cũng rất phong phú, như các loại lá cây, cỏ, ngô, sắn... Vì thế, nhiều hộ trong xóm đã đầu tư phát triển kinh tế gia đình từ mô hình chăn nuôi dê. Hiện nay, xóm Đồng Bản có 30 hộ chăn nuôi số lượng lớn, tổng đàn dê khoảng 500 con. Qua đó đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con, nhiều hộ có thu nhập từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi dê.

Khác với người dân xóm Đồng Bản, đồng bào dân tộc Mông ở xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung lại lựa chọn phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Khoảng 6 năm trở lại đây, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, bà con đã chuyển đổi những diện tích đất nương, đất đồi trồng ngô cho năng suất thấp sang trồng các loại cỏ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Đến nay, Lũng Hoài đã có trên 100 con trâu, bò. Nếu chia trung bình, mỗi hộ có từ 3-4 con, một tài sản không nhỏ.

Ông Hoàng Văn Phòng, Trưởng xóm Lũng Hoài, bảo: Mặc dù bà con đã chăn nuôi trâu, bò từ rất lâu nhưng trước kia mỗi hộ chỉ nuôi một con để lấy sức kéo và chủ yếu là thả rông. Năm 2014, khi Đề án 2037 của tỉnh triển khai ở xóm, được các cấp ngành tuyên truyền, hỗ trợ, bà con đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm và mạnh dạn trồng các loại cỏ để chăn nuôi trâu, bò sinh sản và vỗ béo. Hướng đi này đang dần phát huy hiệu quả, giúp bà con tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong vài năm trở lại đây, mô hình chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo hướng hàng hóa đã được đồng bào ở nhiều xóm, bản trên địa huyện vùng cao Võ Nhai áp dụng. Theo thống kê, hiện toàn huyện có gần 4.000 con bò, trên 4.800 con trâu và gần 5.000 con dê. Trong đó tập trung nhiều ở các xã Thượng Nung, Sảng Mộc, Thần Sa, Lâu Thượng… Hiện, trên địa bàn huyện có 43 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 8 hợp tác hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi.

Tuy vậy, lĩnh vực chăn nuôi gia súc ở Võ Nhai vẫn còn tồn tại những khó khăn về vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm... Nhận thức được thực trạng này, các xã, thị trấn đang tích cực tìm kiếm giải pháp hiệu quả, ổn định nhằm tháo gỡ khó khăn để đưa chăn nuôi gia súc trở thành một trong những hướng phát triển kinh tế hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Lương Thị Mỹ Chải, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung, thông tin: Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa ngày càng phát triển và dần trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong xã. Tuy nhiên, số lượng gia súc cũng như số hộ chăn nuôi lại thường xuyên biến động, mà nguyên nhân chính là do đầu ra không ổn định. Đơn cử như hơn 2 năm nay, khi dịch COVID-19 bùng phát thì đầu ra của gia súc gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ đến thời điểm xuất bán nhưng không tìm được đầu mối thu mua. Chính vì vậy, đầu năm 2022, xã đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ - Du lịch Thượng Nung nhằm liên kết các hộ chăn nuôi, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến để cung ứng con giống và tiêu thụ sản phẩm cho bà con...

Còn theo ông Long Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Bình Long: Mặc dù trên địa bàn xã đã có 2 hợp tác xã nông, lâm nghiệp nhưng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ rừng. Chính vì thế, thời gian tới xã sẽ hỗ trợ thành lập một hợp tác xã nông nghiệp hướng về chăn nuôi gia súc, gia cầm. Qua đó, hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật và phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, bền vững hơn...