Những tháng đầu năm, khi giá phân bón tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì xăng, dầu lại tiếp tục thiết lập kỷ lục tăng giá mới, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Trong “cơn bão” giá, bà con nông dân lại càng thêm gánh nặng chi phí.
Vụ xuân năm nay, gia đình anh Hà Văn Bắc, ở xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên (T.P Thái Nguyên) cấy 2 sào lúa và trồng 5 sào rau màu. Nếu như năm 2021, để cày bừa hết 7 sào ruộng, gia đình anh tiêu tốn 21 lít dầu Diezen, tương đương với số tiền khoảng 357 nghìn đồng thì năm nay, do xăng, dầu tăng giá nên chi phí mua dầu đã "đội" lên hơn 560 nghìn đồng.
Anh Bắc chia sẻ: Năm nay, giá phân bón tăng gấp đôi, xăng, dầu cũng tăng trong khi đầu ra của nông sản lại bấp bênh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên bà con chúng tôi vừa sản xuất, vừa nghe ngóng thông tin thị trường. Đợt này, gia đình tôi đang xuống giống dưa chuột, dưa lê, hy vọng cây màu sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập ổn định để bù đắp phần nào chi phí.
Có thể thấy, giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất, do người dân hiện đa phần phải thuê máy cày, bừa, máy gặt, máy bơm nước… Ngoài ra, người nông dân còn thêm gánh nặng do chi phí giao hàng, vận chuyển hàng hóa tăng. Chị Tống Thị Xuyến, Giám đốc Hợp tác xã chè an toàn Hoan Xuyến, ở xã Vô Tranh (Phú Lương) cho biết: Nếu như trước đây, trung bình 1 thùng hàng chúng tôi gửi đi ngoại tỉnh chỉ mất chi phí 50 nghìn đồng thì giờ đã tăng lên 70 nghìn đồng. Trung bình 1 ngày, chúng tôi gửi 5 thùng hàng, chi phí bị "đội" lên thêm 100 nghìn đồng. Trong khi đó, giá chè vẫn chỉ dao động ở mức từ 250 đến 500 nghìn đồng/kg chứ chưa thể tăng theo giá xăng, dầu. Vì thế, giải pháp của Hợp tác xã là cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, sử dụng máy sao chè, máy đóng gói tự động để giảm công lao động.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, để thích ứng với tình hình xăng, dầu tăng giá, bà con nông dân trong tỉnh đã phải tính toán lại cơ cấu sản xuất theo hướng cắt giảm tối đa chi phí. Đơn cử như tại Hợp tác xã nông nghiệp bền vững, ở xã Phú Cường (Đại Từ), thời điểm này, bà con đang tập trung dọn dẹp vệ sinh nương chè để tạo độ thông thoáng. Đồng thời, dùng rơm che phủ giữa các luống chè để hạn chế cỏ dại mọc, giúp giảm bớt chi phí công lao động làm cỏ.
Để tiếp tục duy trì sản xuất, việc tăng giá sản phẩm cũng được nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp tính tới trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao. Anh Bùi Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Phát triển thương mại Nguyên Việt, ở xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) thông tin: Chúng tôi chuyên sản xuất, chế biến tinh bột từ các loại rau như: Diếp cá, tía tô, cần tây, cải xoăn, cải bó xôi… Giá xăng, dầu tăng đã khiến chi phí vận chuyển nguyên liệu đầu vào cũng như sản phẩm đầu ra của Công ty tăng tới 20%. Vì vậy, thời gian tới, Công ty sẽ phải cân đối tăng giá các sản phẩm để bù lại vào phần chi phí tăng thêm.
Thực tế hiện nay, bà con nông dân không chỉ đối mặt với giá xăng, dầu tăng cao, ảnh hưởng tới chi phí sản xuất mà dịch COVID-19 cũng khiến nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể tạm thời đóng cửa, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản. Vì vậy, trong thời gian này, các hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã được khuyến cáo cần tăng cường đồng hành, liên kết để tạo thành chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian nhằm hạn chế tối đa chi phí sản xuất. Ngoài ra, đối với các hoạt động vận tải, giao hàng, các hợp tác xã, doanh nghiệp nên tính toán khoa học để sử dụng được dịch vụ cả hai chiều.