Những năm qua, nhờ các giải pháp chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đại Từ luôn được đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu ở mức thấp. Việc nguồn vốn được triển khai đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích đã và đang phát huy hiệu quả, trở thành “cứu cánh” cho nhiều hộ dân trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, vươn lên ổn định cuộc sống.
Thời điểm này, NHCSXH huyện Đại Từ đang thực hiện đối chiếu, phân loại nợ tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Đây là hoạt động được thực hiện định kỳ 3 năm/lần nhằm đánh giá đúng thực trạng tín dụng, giúp đơn vị nắm được thực trạng nợ đã cho vay, đồng thời đề ra giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.
Anh Vi Hiệp Hướng, cán bộ NHCSXH huyện Đại Từ, cho hay: Bình quân mỗi xã, thị trấn, chúng tôi có từ 5-7 cán bộ thực hiện hoạt động này. Để công tác đối chiếu được nhanh chóng, thuận lợi, Ngân hàng đã triển khai phương án và phối hợp với chính quyền địa phương phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của tổ đối chiếu, phân loại nợ. Mục đích chính của hoạt động này là cán bộ ngân hàng sẽ tìm hiểu, đánh giá việc sử dụng vốn vay của người dân sau khi giải ngân, đồng thời, đôn đốc nợ quá hạn, tránh để nợ xấu phát sinh. Trong quá trình thực hiện, cán bộ được phân công sẽ kết hợp tuyên truyền, phổ biến một số chính sách tín dụng ưu đãi mới và rà soát nhu cầu vay vốn của người dân. Qua đó, những hộ có nhu cầu vay vốn, đủ điều kiện sẽ được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi trong thời gian sớm nhất.
Cùng với hoạt động đối chiếu, phân loại nợ, Ban Giám đốc NHCSXH huyện Đại Từ thường xuyên giám sát, chỉ đạo cán bộ tín dụng thẩm định cho vay, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng. Công tác củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của hơn 460 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trên địa bàn cũng được quan tâm. Theo đó, Ngân hàng chọn ra những thành viên có chuyên môn, kinh nghiệm, hoặc các cá nhân đã và đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn để tư vấn, định hướng sản xuất, kinh doanh cho các hộ vay mới. Đồng thời, tổ TK&VV cũng có trách nhiệm giám sát nguồn vốn trên địa bàn.
Có kinh nghiệm trên 15 năm làm Tổ trưởng Tổ TK&VV xóm Đồng Bục, xã An Khánh, ông Trần Xuân Thanh, chia sẻ: Bên cạnh làm tốt khâu bình xét cho vay, đôn đốc người vay trả gốc, lãi đúng hạn, “bí quyết” để quản lý tốt nguồn vốn đó là chúng tôi thường xuyên bám sát cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con và kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn có đúng mục đích hay không. Nếu phát hiện hộ vay nào có ý định chuyển đi nơi khác, vợ chồng “lục đục” có nguy cơ ly hôn…, Tổ TK&VV sẽ thông tin kịp thời đến Ngân hàng để có biện pháp can thiệp, xử lý, tránh phát sinh nợ xấu.
Riêng năm 2021, NHCSXH huyện Đại Từ đã thực hiện kiểm tra được 30 lượt xã, thị trấn; 65 lượt tổ TK&VV với 265 lượt hộ vay. Qua kiểm tra cho thấy, nhìn chung, các hộ đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, đảm bảo đúng mục đích. Nhờ những giải pháp đồng bộ, nguồn vốn tín dụng được quản lý chặt chẽ, tổng nợ xấu của đơn vị tính đến ngày 29/3/2022 là 582 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,1% trên tổng dư nợ.
Đến thời điểm trên, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Đại Từ là trên 622 tỷ đồng. Dư nợ đạt trên 555 tỷ đồng, tăng hơn 10,5 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ tăng trưởng 1,93%, đạt 99%. Hiện tổng số khách hàng còn dư nợ của đơn vị là gần 12.600 hộ, bình quân dư nợ 44 triệu đồng/hộ.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Đại Từ, cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đôn đốc, phối hợp thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao, giải ngân kịp thời, không để ứ đọng vốn; phối hợp với các phòng, ban có liên quan, chính quyền địa phương, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tuyên truyền và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc nâng mức cho vay đối với chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...
Bên cạnh đó, Ngân hàng sẽ phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tham mưu tìm giải pháp giảm nợ quá hạn; rà soát những món vay đủ điều kiện xác lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro. Ngoài ra, công tác tập huấn nghiệp vụ cho thành viên Ban giảm nghèo của các xã, thị trấn, cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác, trưởng xóm (tổ dân phố), ban quản lý tổ TK&VV sẽ tiếp tục được đơn vị chú trọng thực hiện thường xuyên…