Hòa Bình loay hoay “tìm” OCOP

07:46, 12/04/2022

Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, huyện Đồng Hỷ đang là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh với 31 sản phẩm được công nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm được xếp hạng 5 sao cấp Quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP, trên địa bàn huyện vẫn còn những xã đang loay hoay tìm và xây dựng sản phẩm riêng, trong đó có xã Hòa Bình.

Hòa Bình là xã đầu tiên của huyện Đồng Hỷ về đích nông thôn mới, vào năm 2015. Đến nay, 100% đường trục xóm, ngõ xóm và trục chính nội đồng trên địa bàn đã được thảm nhựa hoặc bê tông hóa; 100% hộ dân sử dụng điện lưới; không còn nhà tạm, nhà dột nát; 100% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Hằng năm, xã có trên 90% số hộ đạt Gia đình văn hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt trung bình trên 40 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn đa chiều hiện còn trên 130 hộ, trong tổng số 800 hộ dân của toàn xã...

Tuy đi trước trong phong trào xây dựng nông thôn mới với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nhưng đến nay, xã Hòa Bình vẫn chưa có sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn OCOP. 

Câu chuyện xây dựng sản phẩm OCOP ở Hòa Bình được Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Quốc Đạt chia sẻ: Đặc thù của Hòa Bình là có nhiều thành phần dân tộc sinh sống (8 dân tộc - P.V), lập nghiệp theo kiểu “chín người mười làng”. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp cũng theo kiểu mỗi gia đình một thế mạnh, quê ai quen trồng cấy cây gì, thì khi đến đây lập nghiệp sẽ canh tác loại cây trồng đó. Do vậy, khi khảo sát, đánh giá, lựa chọn sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, xã rất khó xác định sản phẩm chủ lực có tiềm năng, thế mạnh để phát triển, nâng lên thành sản phẩm OCOP.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, trong phương án quy hoạch, xã Hòa Bình đã lựa chọn chè là cây trồng thế mạnh với tổng diện tích gần 300ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 3.500 tấn/năm. Chính quyền địa phương hiện đang tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện các mô hình sản xuất, chế biến chè theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ. Từ đó, tạo cơ sở để xây dựng kế hoạch, hỗ trợ bà con phát triển thành sản phẩm OCOP. 

Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn xã còn nhỏ lẻ, người dân chủ yếu bán các sản phẩm thô. Ông Phạm Văn Phương, Bí thư Chi bộ Phố Hích, một trong những xóm có diện tích chè lớn của xã Hòa Bình, thẳng thắn: Có những khó khăn mang tính chất chủ quan trong quá trình triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn. Đó là quy mô, năng lực quản trị của các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình còn nhỏ và yếu, người dân thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Thêm nữa, sự hiểu biết của một bộ phận cán bộ địa phương và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung còn phụ thuộc vào tư vấn của cơ quan chuyên môn cấp trên. Một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn trong công nghệ chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị, kéo dài thời gian tiêu thụ...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ, cho biết: Chương trình OCOP được thực hiện theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng” và qua 6 bước. Cụ thể, sau khi đăng ký sản phẩm, các đơn vị sản xuất sẽ nhận phương án, kế hoạch và triển khai thực hiện; cơ quan chức năng có thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm, trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ và xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Đối với những sản phẩm đang có lợi thế hoặc đã có nhãn hiệu, việc thực hiện chu trình OCOP khá dễ dàng, không mất nhiều thời gian. Nhưng đối với những xã không có sản phẩm đặc sản, đặc thù và nông sản thế mạnh thì việc lựa chọn sản phẩm chủ lực để chuẩn hóa, phát triển sản phẩm OCOP là một thách thức lớn đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Với tình hình thực tế tại xã Hòa Bình, bà Hà cho biết thêm: Để tháo gỡ khó khăn trong việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ, ngoài việc cải thiện quy trình và công nghệ chế biến, xúc tiến thương mại hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi số… xã Hòa Bình cần tập trung phát huy các yếu tố về văn hóa, cộng đồng gắn với đặc trưng của sản phẩm OCOP. Ví dụ như gắn với yếu tố văn hóa làng nhà sàn Tân Đô. Chính quyền địa phương có thể tạo ra giá trị tăng thêm cho các sản phẩm OCOP bằng cách đưa các câu chuyện vào từng sản phẩm, hướng dẫn người dân giới thiệu về sản phẩm gắn với lịch sử, văn hóa... để dẫn dắt, giới thiệu và tìm được chỗ đứng trên thị trường cho sản phẩm.