Là một kênh đầu tư hấp dẫn, chứng khoán đang ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của người dân. Thế nhưng trong những năm gần đây đã xuất hiện không ít các vụ thao túng thị trường chứng khoán.
Vi phạm nghiêm trọng tại SMBC Nikko Securities
Ngày 24/3 vừa qua, các công tố viên Nhật Bản đã truy tố SMBC Nikko Securities và một số nhân viên do cáo buộc thao túng thị trường, vi phạm Đạo luật về Sàn giao dịch và Các công cụ tài chính và bắt giữ một trong những Phó Chủ tịch của công ty. Đây là lần đầu tiên một công ty chứng khoán lớn của Nhật Bản bị cáo buộc thao túng thị trường, vi phạm nghiêm trọng nhất theo Đạo luật trên.
SMBC Nikko đã thành lập một Ủy ban độc lập hồi đầu tháng Ba để điều tra các cáo buộc. Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Yuichiro Kondo khẳng định, ông sẽ thực hiện các hình phạt nghiêm khắc và công bằng đối với những cá nhân vi phạm, kể cả bản thân ông, sau khi cân nhắc tất cả các yếu tố.
Theo cáo trạng của Bộ phận Điều tra Đặc biệt thuộc Văn phòng công tố quận Tokyo, các quan chức SMBC Nikko đã tham gia hoạt động bán cổ phiếu ngoài giờ giao dịch thông thường.
Nhằm ổn định giá cổ phiếu bán ra, họ đã đặt lệnh từ tháng 12/2019 đến tháng 11/2020 để mua 5 cổ phiếu mục tiêu, trong đó có cổ phiếu của Koito Manufacturing và Mos Food Services.
Các công tố viên cũng cáo buộc SMBC Nikko đã tham gia một cách có hệ thống vào các giao dịch cổ phiếu trái quy định, làm tổn hại đến tính công bằng của thị trường.
Phó Chủ tịch Sato cũng được cho là đã thông đồng với các nhân viên khác để mua cổ phiếu trái quy định vào tháng 4/2021. Những giao dịch này nhằm ổn định giá cổ phiếu được niêm yết tại Tokyo Stock Exchange First Section.
SMBC Nikko bị cáo buộc thao túng giá thông qua việc đặt lượng lớn lệnh mua ngay trước khi thị trường đóng cửa, một hành vi mà Ủy ban Giám sát sàn giao dịch và Chứng khoán cho là cách để thao túng thị trường.
Trong giao dịch kín, các cổ đông lớn thường không bán khi giá giảm mà chờ đến khi giá hợp lý hơn. Các quan chức bị truy tố tại SMBC Nikko bị cáo buộc đã đặt lệnh mua để các cổ đông này sẵn sàng thông qua thỏa thuận.
Theo điều khoản trong Đạo luật Sàn giao dịch và Các công cụ tài chính áp dụng với hành vi thao túng thị trường, một công ty có thể bị phạt đến 700 triệu yen (5,77 triệu USD) nếu phải chịu trách nhiệm hình sự.
“Cơn sốt giao dịch” GameStop
Đầu năm 2021, các bên đóng vai trò chính yếu trong đợt giao dịch cổ phiếu công ty bán lẻ trò chơi điện tử GameStop phải điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính của Hạ viện Mỹ.
Tuy nhiên, họ đã không thừa nhận hành vi thao túng thị trường, cho rằng hành động của họ là phù hợp với các thông lệ kinh doanh trên thị trường chứng khoán.
Những người sáng lập ứng dụng giao dịch chứng khoán miễn phí Robinhood và diễn đàn trực tuyến Reddit là một vài trong số những cá nhân tham gia phiên điều trần.
Trong sự kiện lần này, các quỹ phòng hộ của phố Wall, vốn thường nắm giữ các vị thế bán khống đối với những cổ phiếu được cho là sẽ giảm giá sâu, phải đối đầu với một “cơn sốt giao dịch” do phía mạng xã hội thúc đẩy nhằm gây tổn hại cho các nhà đầu tư có tổ chức lớn.
“Cơn sốt” đã dẫn tới sự biến động chưa từng có trên phố Wall - với mức tăng từng lên tới 400% đối với cổ phiếu GameStop. Điều đó đã khiến các nhà quản lý phải xem xét lại vai trò của mạng truyền thông xã hội, các quỹ phòng hộ và nền tảng giao dịch. Một số nhà quan sát cho rằng, các nền tảng trên đều có hành vi thao túng thị trường.
Ông Keith Gill, một nhà đầu tư nghiệp dư nổi tiếng trên diễn đàn WallStreetBets của Reddit về việc “săn” được cổ phiếu GameStop sớm và giá rẻ, đã nói rằng những giao dịch của ông dựa trên nghiên cứu của riêng mình chứ không phải vì mục đích gây hại cho các quỹ phòng hộ.
Trong khi đó, người sáng lập và Giám đốc đầu tư tại Melvin Capital Management, ông Gabriel Plotkin, cho biết quỹ phòng hộ này không thao túng giao dịch.
Ông nói thêm rằng, Melvin đã từ bỏ các lệnh bán khống của mình đối với cổ phiếu GameStop, sau khi quỹ phải chịu "khoản lỗ đáng kể" vào thời điểm cổ phiếu này tăng từ 17 USD/cổ phiếu lên mức "đỉnh" 483 USD/cổ phiếu.
“Cơn sốt giao dịch” đã dẫn đến ứng dụng Robinhood tạm thời hạn chế giao dịch một số cổ phiếu dễ biến động nhất. Nhưng động thái này đã gây ra nhiều chỉ trích.
Người đồng sáng lập và là CEO của Robinhood, ông Vlad Tenev, khẳng định trong phiên điều trần trực tuyến rằng mình không hề bỏ mặc nhà đầu tư, nhấn mạnh rằng nền tảng giao dịch này đã làm đúng luật.
Sai lầm lớn của Phó Chủ tịch Samsung Electronics Co.
Tờ Nikkei Asian Review vào tháng 9/2020 đưa tin các công tố viên của Văn phòng công tố quận trung tâm Seoul (Hàn Quốc) đã truy tố Phó Chủ tịch Samsung Electronics Co. Ltd., Lee Jae-yong, do các cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán và gây mất lòng tin trong vụ sáp nhập giữa Samsung C&T Corp. và Cheil Industries vào năm 2015.
Theo công tố viên cao cấp Lee Bok-hyu tại Văn phòng công tố quận trung tâm Seoul nói, ông Lee đã nỗ lực bảo đảm sự thừa nhiệm của mình với chi phí thấp nhất, nhằm củng cố quyền kiểm soát tại tập đoàn.
Văn phòng công tố quyết định buộc tội ông này dựa trên việc xem xét tới những tội danh đáng kể gây ra sự xáo trộn đối với thị trường chứng khoán.
Vị công tố viên này cũng nói rằng ông Lee chính là người chấp thuận để những sai phạm kế toán tại Samsung Biologics, một chi nhánh thuốc của Samsung C&T, xảy ra như một phần kế hoạch củng cố quyền lực của ông tại tập đoàn. Ông Lee là cổ đông lớn nhất tại Samsung C&T-công ty con thuộc tập đoàn Samsung với 17,33% cổ phần.
Các công tố viên lập luận rằng các điều khoản sáp nhập, theo đó một cổ phiếu Cheil được định giá bằng gần ba cổ phiếu C&T, đã bị thao túng để trao cho ông Lee quyền kiểm soát C&T, và cuối cùng là đế chế Samsung. Ông Lee không có cổ phần trong C&T trước khi sáp nhập.
Tổng cộng, 11 CEO, bao gồm cả ông Lee, đang bị điều tra về hành vi thao túng giá cổ phiếu và gian lận kế toán tại các công ty Samsung vào năm 2015, điều mà các công tố viên tin rằng là yếu tố quan trọng đối với kế hoạch của ông Lee để kế nhiệm cha mình làm Chủ tịch Samsung.
Thông tin gây nhầm lẫn từ CEO Tesla
Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) năm 2018 đã khởi kiện CEO của công ty sản xuất ôtô điện Tesla - tỷ phú Elon Musk - về việc đăng tải "những thông tin không đúng sự thật và gây nhầm lẫn cho các nhà đầu tư" trên mạng xã hội Twitter.
Cáo buộc của SEC nhằm vào thông tin đăng tải trên Twitter ngày 7/8 của ông Musk, trong đó ông tiết lộ đã "được bảo đảm tài chính" để tư nhân hóa công ty Tesla với giá 420 USD/cổ phiếu.
SEC khẳng định tuyên bố của vị CEO này là "sai sự thật," đồng thời nhấn mạnh "ông Musk còn chưa thảo luận với bất kỳ nguồn đầu tư tiềm năng nào, nói gì đến việc đạt được thỏa thuận về các điều khoản then chốt bao gồm giá cổ phiếu."
Theo SEC, tỷ phú 47 tuổi người gốc Nam Phi đã tự đưa ra mức giá tư nhân hóa của Tesla ở 420 USD/cổ phiếu và loan báo rộng rãi trên mạng xã hội mà không thảo luận vấn đề này với các thành viên trong hội đồng quản trị, nhân viên hay các chuyên gia tư vấn ngoài công ty.
Tuyên bố nêu trên của ông Musk, cùng nhiều thông báo liên quan khác trong vòng 3 giờ sau đó, đã "gây hoang mang và rối loạn đáng kể trên thị trường đối với cổ phiếu Tesla," theo đó gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư.
Trong ngày 27/9/2018, tỷ phú Musk đã phản bác đơn kiện của SEC, gọi đây là một "động thái thiếu công bằng", khẳng định luôn hành động dựa trên sự thật, minh bạch và lợi ích của các nhà đầu tư. Kế hoạch tư nhân hóa đã được ông Musk thông báo hủy bỏ 3 tuần sau đó.
Một số cổ đông của Tesla cũng đâm đơn kiện, cáo buộc ông Musk đưa ra tuyên bố tư nhân hóa công ty nhằm thao túng giá cổ phiếu.
Sau tuyên bố của tỷ phú Musk vào ngày 7/8/2018, giá cổ phiếu của Tesla tăng vọt hơn 9%, nhưng sau đó liên tục lao dốc.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/9/2018, giá cổ phiếu của công ty này giảm gần 11% so với thời điểm trước khi ông Musk có phát ngôn gây chấn động.