Thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), trong giai đoạn 2021-2025, T.P Phổ Yên phấn đấu xây dựng 15 sản phẩm trở lên được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP. Để đạt được kết quả này, địa phương đã và đang chú trọng triển khai hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh cao.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, T.P Phổ Yên đã có trên 20 cơ sở, hộ sản xuất tham gia với 5 sản phẩm đã được công nhận, gồm: Lộc trà thượng hạng 4 sao và Lộc trà 3 sao của Công ty CP Trà Việt Thái; mật ong tinh túy hoa nhãn đạt 3 sao của Tổ hợp tác mật ong Đông Tam Đảo; gạo chất lượng cao ADI 28 của xã Đắc Sơn đạt 3 sao; gạo đặc sản Phổ Yên PYRICE –VNR20 đạt 3 sao của xã Minh Đức.
Nói về việc tham gia Chương trình OCOP, bà Phạm Thị Hường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Đức, phấn khởi: Thông qua tham gia mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP”, nhiều hộ dân đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa. Qua đó, sản phẩm được nâng cao về chất lượng, dễ dàng tiếp cận thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây cũng chính là cơ sở đưa sản phẩm gạo đặc sản Phổ Yên PYRICE–VNR20 của xã Minh Đức đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Ông Chu Đức Minh, ở xóm Đồng Mương 12, xã Minh Đức, thì chia sẻ: Qua thực tế sản xuất lúa theo mô hình tại gia đình với quy mô 5 sào, năng suất đạt đến 3 tạ/sào (tăng 70kg). Ngoài ra, sản phẩm lúa VietGAP cũng có thị trường tiêu thụ khá tốt do được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Hiện nay, toàn bộ thóc tươi đạt chuẩn của gia đình tôi đều được Chi nhánh vật tư nông nghiệp T.P Phổ Yên nhận thu mua, bao tiêu với giá 6.700 đồng/kg. Vụ vừa qua, gia đình xuất bán được 1,5 tấn thóc tươi/sào, thu nhập đạt từ 1,5-2 triệu đồng/sào/vụ.
Tương tự, tại Công ty CP trà Việt Thái, ở xã Phúc Thuận, có 2 sản phẩm Lộc trà và Lộc trà thượng hạng được công nhận OCOP. Các sản phẩm này đang được bày bán, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong nước, qua đó, góp phần đưa thương hiệu chè Phổ Yên đến với nhiều người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Huy Sơn, Giám đốc Công ty CP trà Việt Thái, cho biết: Tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn được hỗ trợ tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cụ thể như: Tham gia các gian hàng trưng bày tại các hội chợ, triển lãm sản phẩm trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm… Hiện nay, mỗi tháng, Công ty xuất bán ra thị trường trên 4 tấn chè thành phẩm, với 3 sản phẩm chủ lực, gồm: Tâm trà, Lộc trà và Lộc trà thượng hạng, giá bán dao động từ 300 nghìn đồng - 1,6 triệu đồng/kg.
Để có được những kết quả trong thực hiện Đề án OCOP, theo ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.P Phổ Yên: Thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo ngành chuyên môn thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp đăng ký tham gia các sản phẩm OCOP thông qua hình thức hội nghị, cuộc thi tuyên truyền về OCOP; hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm an toàn, hữu cơ phục vụ thị trường; tạo các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên địa bàn…
Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2022, T.P Phổ Yên tiếp tục triển khai đến các xã, phường đăng ký nông sản tham gia phát triển thành sản phẩm OCOP. Đến nay đã có 7 đơn vị đăng ký tham gia. Thành phố phấn đấu trong năm nay sẽ hỗ trợ các đơn vị xây dựng từ 3 sản phẩm OCOP trở lên được hội đồng cấp tỉnh công nhận. Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp về: Hỗ trợ các hộ dân tham gia dự án xây dựng mô hình sản xuất chè VietGAP; triển khai, rà soát nhu cầu đăng ký điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ thiết kế bao bì, mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và tem truy xuất nguồn gốc QR code đến các chủ thể tham gia…