Năm 2021, trên địa bàn huyện Định Hóa xảy ra nhiều đợt dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, như: Viêm da nổi cục ở trâu, bò; cúm gia cầm H5N6; dịch tả lợn châu Phi; lở mồm long móng... Rút kinh nghiệm từ năm trước, vào thời điểm giao mùa năm nay, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã có sự chuẩn bị chu đáo hơn để hạn chế thấp nhất sự xuất hiện và lây lan của dịch bệnh.
Năm ngoái, gia đình bà Vũ Thị Đăng là một trong 2 hộ ở xóm Dạo, xã Bộc Nhiêu buộc phải tiêu hủy toàn bộ đàn gà do dịch cúm gia cầm H5N6. Nói về điều này, bà Đăng ngậm ngùi: Do nhiều năm liền, địa phương không xuất hiện các loại dịch bệnh nguy hiểm nên gia đình tôi và một số hộ trong xã có tâm lý chủ quan. Chúng tôi không thường xuyên vệ sinh chuồng trại; không tiêm vắc-xin đầy đủ cho đàn vật nuôi và không khử khuẩn xe chở vật nuôi của các thương lái. Rút kinh nghiệm từ thiệt hại trong năm trước, ngay khi bước vào thời điểm giao mùa, gia đình tôi thực hiện đầy đủ hướng dẫn phòng dịch mà các cơ quan chuyên môn khuyến cáo, như: Tiêm đầy đủ vắc-xin; vệ sinh, rắc vôi bột khu vực chuồng trại… Đồng thời, tôi vận động các gia đình xung quanh cùng thực hiện để công tác phòng dịch đạt hiệu quả cao hơn.
Tương tự nhà bà Đăng, nhiều hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Định Hóa cũng đã bổ sung nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Như gia đình ông Ma Tử Bản, ở xóm Sơn Vinh, xã Sơn Phú. Do từng phải tiêu 2/8 con bò trong đợt dịch viêm da nổi cục năm 2021 nên năm nay, ông Bản chia sẻ: Không thể chủ quan được, năm nay, tôi đã tiêm vắc-xin đầy đủ cho đàn bò của gia đình. Ngoài ra, tôi cũng ít chăn thả hơn mà chuyển sang trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho bò. Riêng trong thời điểm giao mùa, gia đình tôi tăng cường dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại, tránh bị ẩm thấp khiến dịch bệnh có điều kiện bùng phát.
Theo số liệu của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Định Hóa, trong năm 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Toàn huyện phải tiêu hủy 40 con lợn, 49 con trâu, bò và 400 con gia cầm, tổng thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng cho người chăn nuôi.
Thời điểm này, huyện Định Hóa có trên 7.000 con trâu, bò; khoảng 40.000 con lợn và trên 700.000 con gia cầm. Để tránh thiệt hại như năm ngoái và thực hiện phòng ngừa dịch bệnh từ xa, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đang tổ chức tiêm phòng định kỳ đợt 1 năm 2022 cho đàn gia súc với 5.000 liều vắc-xin lở mồm long móng; 5.000 liều tụ dấu lợn; bệnh tả 5.000 liều; H5N1 20.000 liều; dại 3.500 liều...
Trong thời gian này, cơ quan chuyên môn của huyện Định Hóa cũng tăng cường kiểm tra tình hình chăn nuôi trên địa bàn. Qua kiểm tra, cơ quan chuyên môn đánh giá, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của bà con năm nay có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động mua thêm vắc- xin phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm, có nguy cơ cao để tiêm cho gia súc, gia cầm; tiến hành vệ sinh, khử khuẩn khu vực chăn nuôi...
Trao đổi với chúng tôi, ông Ma Đình Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa, cho biết: Bước vào thời điểm giao mùa, nền nhiệt thay đổi thất thường, nếu kết hợp với mưa sẽ gây ra độ ẩm cao, là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh bùng phát. Do vậy, cơ quan chức năng của huyện tích cực khuyến cáo bà con không lơ là chủ quan, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nghiêm túc thông báo kịp thời với cơ quan chức năng khi phát hiện vật nuôi bị bệnh, chết bất thường…