Từng là xã đặc biệt khó khăn, để cởi trói cho tư duy của người nông dân và giúp bà con tự tin làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) đã chuyển đổi định hướng từ sản xuất quy mô nhỏ sang phát triển trồng rừng và chế biến lâm sản, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng công nghiệp với quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến…
Tân Lợi hiện có trên 1.150ha đất rừng sản xuất và là một trong những địa phương có diện tích đất rừng lớn của huyện Đồng Hỷ. Trung bình mỗi năm, toàn xã trồng mới được trên 50ha rừng. Từ nguồn nguyên liệu dồi dào từ rừng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mở các cơ sở chế biến lâm sản ngay tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã có 20 cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản. Trung bình mỗi năm, các cơ sở này tiêu thụ hàng nghìn m3 gỗ của bà con trong xã và khu vực lân cận.
Nói về lý do lựa chọn mở xưởng chế biến gỗ, anh Trần Văn Thanh, xóm Cầu Lưu, chia sẻ: Bản thân tôi đã trải qua nhiều nghề nhưng không đem lại hiệu quả. Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi và nhận thấy nguồn nguyên liệu gỗ từ rừng ở địa phương dồi dào nên tôi quyết định phát triển kinh tế bằng nghề chế biến gỗ bóc.
Đến nay, gia đình anh Thanh đang sở hữu nhà xưởng với 3 dàn máy bóc gỗ, 1 máy băm gỗ. Với sản phẩm ván ép xuất khẩu, trung bình mỗi tháng, xưởng chế biến gỗ bóc của anh xuất bán ra thị trường từ 700m3 đến trên 1.000m3 ván thành phẩm. Xưởng gỗ bóc không chỉ mang lại lợi nhuận gần 1 tỷ đồng mỗi năm cho gia đình anh Thanh mà còn tạo việc làm ổn định cho khoảng 50 lao động địa phương, với mức lương trung bình 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh chế biến lâm sản, những năm gần đây, xã Tân Lợi còn định hướng người dân chuyển sang phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô gia trại, trang trại. Anh Lê Văn Hải, xóm Tân Thành, giới thiệu: Sau nhiều năm chăn nuôi thua lỗ, năm 2016, tôi quyết định chuyển sang chăn nuôi bò sinh sản. Ban đầu tôi nuôi hai con bò mẹ, sau phát triển đàn lớn dần. Đến nay, gia đình tôi có 9 con bò nái.
Theo anh Hải, việc chăn nuôi bò sinh sản đem lại hiệu quả kinh tế cao và cũng ít rủi ro hơn một số vật nuôi khác. Bởi chi phí để chăm sóc bò sinh sản không quá nhiều, nguồn thức ăn lại dễ kiếm, có thể chủ động được. Với 9 con bò sinh sản, nếu chăm sóc tốt, các con mẹ sinh sản đều, gia đình anh Hải thu về khoảng 200 triệu đồng tiền lãi mỗi năm. Năm 2022, gia đình anh đã lên kế hoạch tăng đàn bò sinh sản.
Không riêng nhà anh Hải, hiện trên địa bàn xã Tân Lợi có khoảng 20 hộ chăn nuôi bò sinh sản quy mô lớn, từ 7- 10 bò nái, tập trung ở các xóm: Na Tiếm, Bảo Nang, Cầu Đá, Đồng Lâm... Tổng đàn bò mẹ của xã hiện là khoảng 200 con và một số lượng lớn bò thịt thương phẩm. Ngoài nuôi bò, người dân các xóm Bảo Nang, Đồng Lâm, Trại Đèo… còn phát triển chăn nuôi gia cầm. Toàn xã hiện có hơn 50 hộ chăn nuôi gà với quy mô từ 1.000 con trở lên, trong đó có khoảng 30 gia trại lớn với quy mô từ 3.000-5.000 con gà/lứa.
Nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, thu nhập bình quân của người dân Tân Lợi đã tăng từ 11 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên trên 32 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4%. Năm 2020, xã Tân Lợi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy vậy, ông Đinh Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi, vẫn trăn trở: Mặc dù một số mô hình có giá trị gia tăng, nhưng quy mô nhỏ nên thu nhập không lớn, chưa đủ để kích thích các hộ dân tham gia trên diện rộng. Thêm nữa, do sản phẩm đầu ra gặp khó khăn, giá cả thị trường biến động, chưa có liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm nên cũng ảnh hưởng đến tâm lý người sản xuất, khiến họ chưa mạnh dạn tham gia thực hiện các mô hình kinh tế lớn.
Trong thời gian tới, xã Tân Lợi tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp và thị trường để người dân tham gia sản xuất với quy mô lớn hơn, đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời, nhân rộng mô hình trồng cỏ nuôi bò sinh sản, chăn nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi gà, lợn an toàn sinh học; tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp thế mạnh của địa phương…