Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, theo kịch bản lạc quan nhất, khi tận dụng được mọi lợi ích, Việt Nam có thể có được mức thu nhập cao nhất trong số các thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
RCEP chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, tạo ra một thị trường chiếm gần 1/3 dân số và gần 1/3 GDP thế giới. Nếu được triển khai thành công, RCEP có thể có tác động đáng kể đến không chỉ Việt Nam mà còn đối với nền kinh tế thế giới. Trang Vietnam Briefing của hãng tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates dẫn báo cáo mới của WB, trong đó phân tích kỹ những cơ hội và thách thức của RCEP đến nền kinh tế của các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.
WB cho rằng, theo kịch bản lạc quan nhất, khi tận dụng được mọi lợi ích, Việt Nam sẽ có mức thu nhập cao nhất trong số các nước thành viên RCEP. Mức thu nhập của Việt Nam tăng 4,9% so với ngưỡng cơ bản, cao hơn các nước khác có thu nhập tăng chỉ khoảng 2,5%.
Trong khi xuất khẩu và nhập khẩu của tất cả các nước thành viên RCEP đều sẽ tăng, Việt Nam dự kiến đạt mức tăng xuất khẩu cao nhất ở 11,4%. Tương tự, nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng đáng kể, ở mức 9,2%. Trong đó, lĩnh vực phát triển mạnh nhất là sản xuất xe có động cơ với 18,6%, tiếp theo là dệt may với 16,2% và may mặc với 14,9%, chủ yếu do cắt giảm các biện pháp phi thuế quan.
Theo kịch bản chỉ thực hiện cắt giảm thuế quan, tác động đến nền kinh tế Việt Nam là không đáng kể, với mức tăng thu nhập gần bằng 0. Thương mại cũng giảm nhẹ, với xuất khẩu và nhập khẩu giảm 0,3%. Nguyên nhân là do Việt Nam được hưởng mức thuế tương đối thấp nhờ các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia.
Báo cáo của WB cho biết thêm, RCEP còn tạo cơ hội thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi sau đại dịch Covid-19. Theo WB, Việt Nam và Malaysia là những quốc gia được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định. RCEP sẽ giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường tiêu dùng lớn gấp đôi quy mô của các thị trường trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vì RCEP bao gồm cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, dù RCEP mang tới nhiều cơ hội, nhưng một khi hiệp định này có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh cả trong và ngoài nước, đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu cao hơn. Chính phủ Việt Nam cũng cần cân nhắc kỹ các chi phí liên quan đến RCEP, có thể bao gồm chi phí hạ thấp hàng rào phi thuế quan và chi phí chuyển tiếp do thay đổi cơ cấu liên quan đến thương mại như thay đổi việc làm. Việc xem xét các yếu tố này sẽ giúp tạo ra môi trường, ở đó các nhà xuất khẩu có thể tận dụng tối đa các quy tắc xuất xứ chung mà không phải trả chi phí cao.