Chủ động bảo vệ trên đàn vật nuôi

08:25, 07/05/2022

Để đàn vật nuôi phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, huyện Phú Bình đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ gia súc, gia cầm trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho bà con.

Huyện Phú Bình hiện có trên 6.300 con trâu; 20.325 con bò; trên 135.000 con lợn và khoảng 3,5 triệu con gia cầm… Hiện đang là thời điểm giao mùa, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện trên đàn vật nuôi tương đối cao. Do vậy, với số lượng đàn vật nuôi lớn, huyện Phú Bình luôn chú trọng công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.

Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình, cho biết: Để đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, ngay từ đầu năm - thời điểm thời tiết có sự chuyển biến, đàn vật nuôi dễ mắc bệnh, Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của gia đình; phối hợp với Chi cục Thú y, Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức 10 lớp tập huấn về công tác an toàn dịch bệnh cho trên 500 lượt người; xây dựng kế hoạch và triển khai công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi tại 20 xã, thị trấn; triển khai tháng khử trùng tiêu độc sau tiêm phòng… nhằm tiêu diệt mầm bệnh.

Với 45.000 liều vắc-xin dịch tả; 35.000 liều vắc-xin tụ dấu lợn; 30.000 liều vắc-xin lở mồm long móng; 9.000 liều vắc-xin tai xanh; 500.000 liều vắc-xin cúm gia cầm; 12.000 liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò… đã được cấp trong đợt 1 của năm nay, đến thời điểm này, công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi của huyện Phú Bình đạt khoảng 70% kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, nhân viên thú y xã Nga My, thông tin: Để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả, hoàn thành kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, bên cạnh việc tập huấn về công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi, chúng tôi tổ chức tuyên truyền đến bà con bằng nhiều hình thức; rà soát tổng đàn ở từng hộ để triển khai tiêm phòng… Hiện nay, chúng tôi đã tiến hành tiêm phòng đạt 70% số lượng vật nuôi trên địa bàn.

Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình cũng luôn chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Ông Dương Văn Thủy, ở xóm Mỏn Thượng, xã Tân Kim, cho hay: Trung bình mỗi năm, gia đình tôi nuôi 2 lứa gà ta lò, từ 8.000 -10.000 con. Ở từng giai đoạn phát triển của gà, tôi đều chú ý đến số ngày tuổi để tiêm vắc-xin phòng bệnh sao cho đàn gà phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt ít. Cùng với đó là theo dõi biểu hiện bệnh của đàn gà để có biện pháp phòng, trị bệnh kịp thời; phun khử khuẩn 1 tuần/lần; quét, rắc vôi bột khu vực chăn nuôi trước khi nuôi lứa gà mới… Nhờ đó, tỷ lệ hao hụt chỉ chiếm 5% tổng đàn. Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập hơn 300 triệu đồng từ chăn nuôi gà thả đồi.

Để hạn chế thấp nhất việc phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thời gian tới, huyện Phú Bình tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật ra, vào địa bàn nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh, buôn bán sản phẩm động vật mắc bệnh; tích cực kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh động vật, dần xóa bỏ các điểm kinh doanh, giết mổ động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vứt xác động vật mắc bệnh ra ngoài môi trường…