Xã Phúc Xuân có trên 300ha chè, chiếm khoảng 1/5 tổng diện tích chè của toàn TP. Thái Nguyên. Xác định chè là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, những năm qua, xã đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, sản xuất, chế biến chè. Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm chè Phúc Xuân, cải thiện đời sống người dân.
Ông Trần Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Xuân, cho biết: Đời sống của người dân Phúc Xuân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Do vậy, bài toán “trồng cây nào, nuôi con gì?” để phát huy được tiềm năng, thế mạnh của xã và nâng cao đời sống cho người dân luôn được địa phương đặc biệt quan tâm. Với lợi thế có truyền thống lâu đời về trồng chè nên xã đã khuyến khích người dân ưu tiên, tập trung đầu tư cho loại cây trồng này. Hiện nay, bình quân mỗi ha chè, người dân Phúc Xuân có thể thu 500 triệu đồng, tăng gấp hai lần so với khoảng 4-5 năm trước.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, xã Phúc Xuân khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các giống chè giâm cành, như: LDP1, TRI777, Kim Tuyên… thay thế những diện tích chè trung du già cỗi, kém năng suất. Hiện nay, toàn xã có khoảng 90% diện tích là chè giâm cành.
Bà Bùi Thị Dậu, người dân xóm Mới, phân tích: Gia đình tôi có 7 sào chè, chủ yếu là giống chè cành LDP1, TRI777. Nếu so sánh với diện tích chè trung du trước đây, tôi thấy chè giâm cành cho năng suất, chất lượng cao hơn. Đơn cử như, trước đây, với mỗi sào chè trung du, gia đình tôi thu được khoảng 12kg chè búp khô, giá bán từ 150-180 nghìn đồng/kg, nhưng với chè giâm cành, năng suất có thể đạt 14-15kg/sào, giá bán bình quân 250-280 nghìn đồng/kg.
Cùng với việc chuyển đổi giống, người trồng chè ở Phúc Xuân còn tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, sản xuất, chế biến sản phẩm chè. Cụ thể như: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ; sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm tự động; sao sấy bằng tôn gas… Xã Phúc Xuân hiện có khoảng 50% diện tích chè đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, có khoảng 20% đã được chuyển dần sang hướng hữu cơ; 45% diện tích chè đang được ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, tự động…
Chị Tống Thị Kim Thoa, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Kim Thoa, ở xóm Cây Thị, chia sẻ: Hiện nay, HTX có vùng chè nguyên liệu với diện tích 5,5ha, đều được sản xuất theo hướng hữu cơ. Thực hiện theo quy trình này, tất cả diện tích chè của HTX chỉ dùng phân chuồng ủ mục cùng các chế phẩm sinh học trong quá trình trồng và chăm sóc. Khi thực hiện theo quy trình này, mặc dù khoảng 2 năm đầu năng suất có giảm đáng kể nhưng sau đó, cây chè sinh trưởng, phát triển rất tốt. Cây chè khỏe, phiến lá dày, búp mập, non lâu và đặc biệt giá bán cao hơn từ 2-3 lần so với trước đây. Hiện nay, giá bán bình quân sản phẩm chè của HTX đạt từ 500-700 nghìn đồng/kg.
Nhờ phát huy tốt tiềm năng, lợi thế từ cây chè nên thu nhập của người dân trên địa bàn xã Phúc Xuân tính đến hết năm 2021 đạt gần 35 triệu đồng/người/năm, cao hơn 5 triệu đồng/người/năm so với năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 0,98% (năm 2018 là 3,28%….).
Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Xuân Trần Văn Cường cho biết thêm: Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân từ cây chè, hiện nay, xã đang chỉ đạo cán bộ chuyên môn rà soát những diện tích đất lúa xen kẹp, canh tác không hiệu quả, đề nghị chuyển đổi mục đích sang trồng chè. Địa phương phấn đấu đến năm 2025, mở rộng diện tích chè được chăm sóc theo hướng hữu cơ lên khoảng 40%...