“Làn gió mới” từ sản phẩm OCOP

04:03, 25/06/2022

Thông qua các đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, hiệu quả đầu tư của nông dân, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp đã được phát huy. Qua đó, góp phần tích cực hoàn thành một số tiêu chí nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Tỉnh Thái Nguyên có sản phẩm chè tôm nõn của HTX chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) và miến của HTX miến Việt Cường (xã Hoá Thượng, Đồng Hỷ) được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Để có được kết quả này, theo Giám đốc HTX miến Việt Cường Nguyễn Văn Ba: Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, những năm qua, Ban lãnh đạo HTX đã dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất. HTX đã đầu tư 26 tỷ đồng mua sắm, tăng cường cơ sở vật chất theo hướng tự động hoá để không phụ thuốc vào thời tiết, tăng năng suất, giảm lao động thủ công. Chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng khâu vệ sinh an toàn thực phẩm và đầu tư mẫu mã, bao bì sản phẩm. Nhờ vậy, miến Việt Cường được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao, được người tiêu dùng tín nhiệm, doanh thu hằng năm của HTX trung bình đạt 30 tỷ đồng. Được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, quảng bá bằng nhiều hình thức, đến nay, miến Việt Cường được bày bán ở nhiều siêu thị lớn trong toàn quốc, bước đầu xuất khẩu sang Thái Lan và nhiều nước châu Âu.

Một ví dụ tiêu biểu khác là “Tứ đại danh trà Thái Nguyên” - Khe Cốc, ở xã Tức Tranh (Phú Lương) từng nổi tiếng một thời, nhưng do phát triển manh mún, mạnh ai nấy làm, sản phẩm đóng gói sơ sài nên có một khoảng thời gian bị người tiêu dùng "ngó lơ". Phải đến khi thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm, thương hiệu chè Khe Cốc mới dần tìm lại chỗ đứng trên thị trường, được người sành trà ưa thích. Đặc biệt, gần đây, gần đây HTX chè an toàn Khe Cốc và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Quốc tế Ngọc Châu Foods (Hà Nội) đã ký kết hợp đồng xuất khẩu chè sang thị trường Cộng Hòa Séc.

Thời gian qua, thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Thái Nguyên và các huyện, thành phố đều có chính sách hỗ trợ cụ thể về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến, giới thiệu, bán sản phẩm, thưởng cho các sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên... Những chính sách này được coi như "làn gió mới" thôi thúc các chủ thể sản xuất như nông dân, HTX, doanh nghiệp phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, tăng cường ứng dụng kỹ thuật trong canh tác, chế biến, bảo quản nông sản. Đến nay, Thái Nguyên có 129 sản phẩm OCOP, trong đó có hai sản phẩm đạt OCOP 5 sao, 73 sản phẩn 4 sao, còn lại là 3 sao của 49 chủ thể là HTX, 11 chủ thể là doanh nghiệp, 3 chủ thể là tổ hợp tác, 3 chủ thể là cơ sở sản xuất - kinh doanh.

Phó Chánh Văn phòng Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh - ông Trần Nho Hưởng đánh giá: Không chạy theo số lượng, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành tiêu chuẩn riêng là sản phẩm đạt OCOP như: Phải có vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm... Từ đó, nhận thức của các chủ thể, nhất là nông dân về chất lượng sản phẩm OCOP được coi trọng, người tiêu dùng tín nhiệm, giá trị gia tăng của sản phẩm được nâng lên, thúc đẩy liên kết sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, củng cố, phát triển HTX ở nông thôn.

Theo tính toán, các sản phẩm OCOP đã tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 110 triệu đồng/ha/năm, nhiều diện tích chè đạt 750 triệu đồng/ha/năm, cây ăn quả đạt 350 triệu đồng/ha/năm. Năm 2021, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đạt 14,6 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng khoảng 4%, góp phần đưa gần 80% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, có một thực tế tại Thái Nguyên là số lượng các sản phẩm ngoài chè đạt tiêu chuẩn OCOP còn ít, chủ yếu là sản phẩm truyền thống, chưa được chế biến sâu để có giá trị gia tăng cao hơn, xuất khẩu còn hạn chế. Để khắc phục hạn chế này, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng của các tiểu vùng (như dược liệu, dịch vụ, du lịch); thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu sản phẩm, nhất là sản phẩm từ chè, cây ăn quả để tiêu thụ mạnh trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm.