Cũng như hàng loạt doanh nghiệp trong nước, các công ty xi măng trên địa bàn tỉnh vừa có đợt tăng giá bán. Đây là đợt tăng giá thứ 3 nhằm chống chọi lại việc bị thâm hụt lợi nhuận do giá các nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng.
Ba lần tăng giá
Từ giữa tháng 6, hàng loạt công ty xi măng trên cả nước thông báo tăng giá bán. Trong đợt này có tên xi măng Quang Sơn với mức điều chỉnh tăng 60.000-80.000 đồng/tấn, thời gian áp dụng từ ngày 20-6. Từ đó đến nay, các công ty xi măng trên địa bàn tỉnh, trong đó có xi măng La Hiên, Quán Triều… cũng đồng loạt điều chỉnh giá bán với mức tăng dao động từ 40.000-80.000 đồng/tấn, tùy công ty và từng vùng, khu vực, sản phẩm khác nhau.
Lần điều chỉnh này là lần tăng giá thứ 3 của các công ty xi măng từ đầu năm đến nay. So với hai đợt trước, biên độ tăng lần này có mức độ tương ứng, đều ở mức 40.000-80.000 đồng/tấn.
Theo các đại lý, hiện giá xi măng La Hiên PCB30 đến chân công trình trên địa bàn TP. Thái Nguyên là khoảng 1.370.000 đồng/tấn (với việc xây dựng công trình tiêu thụ vài chục tấn xi măng và mua từ 10 tấn xi măng/đơn hàng trở lên, nếu mua lẻ giá sẽ cao hơn).
Mức giá bán này không chênh lệch nhiều với xi măng Quang Sơn và cao hơn xi măng Quán Triều khoảng 50.000 đồng/tấn. Giá bán hiện nay của các công ty xi măng trên địa bàn tỉnh đều cao hơn gần 20% so với đầu năm 2022.
Áp lực từ giá nguyên, nhiên liệu tăng
Theo đại diện các công ty xi măng trên địa bàn tỉnh, tăng giá bán là biện pháp bắt buộc cuối cùng của ngành xi măng, bởi từ đầu năm đến nay, giá nguyên, nhiên liệu, vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng, nhất là than, liên tục tăng.
So với đầu năm, giá than nhập vào hiện đã tăng khoảng 55% (với các công ty xi măng ngoài Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam - TKV) và khoảng 35% (với các công ty thuộc Tập đoàn TKV). Trong khi đó, than chiếm khoảng 30-35% giá thành sản xuất xi măng.
Ngoài ra, giá xăng, dầu tăng “chóng mặt”, cùng với các nguyên liệu khác như đất sét, quặng sắt, silic, đá… có sự điều chỉnh giá “nhích” dần lên cũng gây áp lực rất lớn.
Trước tình trạng này, các công ty xi măng đã tìm nhiều giải pháp nhằm hạ giá thành, đồng thời giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm xi măng. Ông Trần Việt Cường, Giám đốc Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI, cho biết: Chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên liệu, nhất là nâng cao hiệu quả lò nung, giảm lượng than tiêu thụ, chú trọng sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương… Tuy nhiên, những giải pháp này không thể bù đắp lại tổn thất do nguyên vật liệu tăng giá.
Than, nhiên liệu chính phục vụ sản xuất xi măng đã tăng giá 3 lần liên tiếp từ đầu năm đến nay.
Theo đại diện các công ty xi măng trên địa bàn tỉnh, gánh nặng từ giá nguyên liệu đầu vào tăng đã khiến lợi nhuận các công ty chỉ đạt 50-70% so với kế hoạch và thấp hơn từ 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, đây vẫn là tín hiệu vui khi các công ty vẫn có lợi nhuận, hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì ổn định, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Bởi, một số công ty xi măng trên cả nước đã bị gián đoạn sản xuất do thiếu than hoặc nguyên liệu thiết yếu.
Ngành xây dựng tiếp tục gặp khó
Giá xi măng tăng đã gây áp lực nhất định lên ngành xây dựng. Trước đây, giá thép tăng “phi mã” đã khiến các nhà xây dựng “đứng ngồi không yên” thì hiện nay lại là xăng, dầu, xi măng và nhiều loại vật liệu xây dựng khác. Theo tính toán, một công trình xây dựng trong khoảng 6 tháng đầu năm nay bị đội chi phí lên 30-40% so với cuối năm 2019.
Chị Nguyễn Thị Huyền, chủ một ngôi nhà đang xây ở phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên), cho biết: Hiện gia đình tôi đang mua xi măng với giá 1.370.000 đồng/tấn tại công trình, cao hơn 200.000 đồng/tấn, tức là khoảng gần 20% so với đầu năm. Cùng với xi măng, xăng dầu, hàng loạt vật liệu xây dựng khác cũng tăng giá. Tính ra, gia đình tôi phải chi phí tăng thêm khoảng 40% mới hoàn thiện được căn nhà.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành xi măng, do phụ thuộc khá lớn vào thị trường thế giới, nhất là dầu mỏ và than đá, nên khó nói trước những biến động trong giá nguyên liệu đầu vào và giá sản phẩm đầu ra của các công ty xi măng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là dự đoán sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa có thể tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 nhờ Nhà nước đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm.
Mặc dù vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất xi măng vẫn rất khó tăng, thậm chí giảm so với năm ngoái do tiếp tục gặp cạnh tranh lớn và áp lực từ giá nguyên, nhiên liệu đầu vào.