Người có duyên với ong mật

07:00, 15/06/2022

Ông Phan Văn Lực, ở xóm Đạt, xã An Khánh (Đại Từ) được nhiều người dân trong vùng ví von là "người có duyên với ong mật". Từ nuôi ong, gia đình ông có thêm thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Không giấu nghề, ông tích cực vận động, hướng dẫn cho bà con trong vùng cùng nuôi ong để tăng thêm thu nhập.

Xóm Đạt giáp chân núi Phượng Hoàng và núi Nội. Rừng, rẫy bạt ngàn nên rất thuận lợi cho việc nuôi ong lấy mật. Từ nhỏ, ông Lực thường theo bố vào rừng lấy cây gỗ rỗng ruột, mang về đục rộng ra, rồi đặt xà cho ong xây mật. Ngày đó, do chưa thực chú tâm đến việc nuôi nên ong thường tếch đàn (bỏ tổ); hoặc bị bệnh chết, sản phẩm mật thu được không nhiều.

Là người chịu đi, chịu khó học hỏi, nhiều lần ông thấy trong các khu rừng, vườn cây ăn quả ở những xã lân cận có rất nhiều thùng ong của người từ nơi khác mang đến. Một lần, thấy chủ nuôi ong và chủ vườn ngồi đánh cờ dưới gốc cây, ông lân la làm quen và học được cách đóng thùng, làm cầu, đặt cầu, cắt sáp, quay mật mà không làm tổn hại đến đàn ong.

Ngẫm lại chuyện nuôi ong trong lúc đang ngồi trà nước, chợt ông Lực "À" thành tiếng như chợt nhớ ra: Đúng rồi, năm 2008, tôi bắt đầu mua cưa, bào, chàng, đục về đóng thùng nuôi ong. Giờ ngẫm lại đã đầy 40 năm, không chỉ gắn bó với đàn ong, mà tôi còn là “tay cưa đục”, cung cấp thùng nuôi ong cho hầu hết bà con trong vùng.

Thấy ông Lực nuôi ong nhàn tênh song lại cho thu nhập khá nên nhiều người đến nhà học hỏi, mua thùng, mua ong về nuôi. Ông khuyến khích bằng cách đưa ra phép tính kinh tế: 1 thùng ong đặt dưới gốc cây, không phải mất tiền mua thức ăn hoặc công chăm sóc, nhưng một năm lấy được 12 lít mật, giá bán theo thị trường từng năm đều tương đương với 2 tạ thóc.

Tính toán như ông Lực thì 1 thùng ong bằng với 1 sào lúa/vụ. Nhưng để làm ra 2 tạ thóc phải đầu tư công làm đất, gieo mạ, cấy lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch… Hầu hết các công đoạn đều phải bỏ tiền thuê máy nên lợi nhuận mang lại chẳng là bao. Ông Lực chia sẻ: Biết ruộng cấy lúa không mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng “đất lề quê thói”, 3 sào ruộng các cụ để lại, tôi vẫn duy trì cấy 2 vụ lúa, đủ thóc ăn cho cả nhà. Còn tiền bán mật ong dành để trang trải chi phí nuôi các con ăn học, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt.

Theo ông ra khu vườn sau nhà, chúng tôi thấy dưới gốc cây đặt nhiều thùng nuôi ong. Như để mọi người không sốt ruột, ông Lực nói luôn: Từ nhiều năm nay tôi duy trì nuôi 80 đàn ong mật. Mỗi năm thu được gần 1.000 lít mật, tương đương với số tiền 120 triệu đồng. Ngoài nuôi ong lấy mật, mỗi năm tôi tạo chúa, nhân khoảng 30 đàn ong bán cho bà con trong vùng cùng nuôi. Các hộ đến mua ong thường đặt tôi đóng luôn thùng ong, làm chân tầng, cầu ong và bình khói…

Nguồn lợi từ nuôi ong mang lại tạo sức hút cho nhiều bà con trong vùng nên hiện trong xã An Khánh có khá nhiều hộ đầu tư nuôi ong, ví như gia đình ông Đỗ Văn Thêm, xóm Đạt nuôi 130 đàn; ông Nguyễn Tiến An, xóm An Thanh nuôi 180 đàn… Hỏi chuyện, ông Thêm cho biết: Luận về ong mật thì tôi là học trò của ông Lực. Tôi mới nuôi từ gần 10 năm nay. Mỗi khi cần sự trợ giúp về kỹ thuật nuôi, phòng bệnh cho đàn ong, tôi đều cậy đến ông Lực.

Không nhận mình là thầy dạy nuôi ong, song từ lâu ngôi nhà của gia đình ông Lực là nơi chốn gặp gỡ của các hộ nuôi ong trong vùng. Họ tìm đến để cùng nhau sẻ chia kinh nghiệm chăn nuôi ong hiệu quả; kỹ năng đưa sản phẩm của mình lên mạng xã hội; cùng tìm giải pháp xây dựng thương hiệu mật ong rừng An Khánh.