Xây dựng sản phẩm OCOP Định Hóa: Hướng đến lợi ích người dân

09:07, 16/06/2022

Sau hơn 2 năm triển khai Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Định Hóa đã có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Với mục tiêu để Chương trình đi vào chiều sâu đem lại lợi ích thiết thực, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Định Hóa phấn đấu có thêm ít nhất 5 sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong năm 2022.

Sản phẩm đầu tiên mà chúng tôi muốn đề cập là đũa cọ Hoàng Linh của hộ kinh doanh Quán Văn Bảy, xóm Cạm Phước, xã Kim Phượng - sản phẩm có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Cơ sở kinh doanh của gia đình anh Bảy xuất bán ra thị trường mỗi tháng 300-600 nghìn phôi đũa cọ. Mặc dù cơ sở có dây chuyền sản xuất đũa thành phẩm nhưng do chưa có thương hiệu, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện nên số lượng đũa bán được còn khiêm tốn. Hầu hết thương lái chỉ mua phôi đũa với giá trung bình 400 đồng/đôi để gia công và đóng bao bì, nhãn mác với tên thương hiệu khác, thay vì mua đũa thành phẩm mang thương hiệu địa phương, để bán với giá khoảng 1.400 đồng/đôi.

Anh Quán Văn Bảy cho biết: Gia đình tôi tham gia Chương trình OCOP với mong muốn được hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng được thương hiệu đũa cọ của huyện Định Hóa, qua đó nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm…

Thấy được lợi ích từ chứng nhận sản phẩm OCOP, HTX Nông sản Phú Đạt, xã Sơn Phú đã không dừng lại ở sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh mà tiếp tục nâng cao quy trình sản xuất, chất lượng để tiến tới nâng hạng sản phẩm OCOP trong năm nay.

HTX nông sản Phú Đạt là một trong những HTX đầu tiên của huyện Định Hóa có sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh (Long Vân trà và Tâm Như trà nõn). Sau hơn nửa năm được chứng nhận OCOP, giá trị của sản phẩm chè cũng nâng lên đáng kể. Trước đây, Long Vân và Tâm Như trà nõn của HTX có giá bán khoảng 300-400 nghìn đồng (cao nhất huyện) thì đến nay tăng thêm từ 10-15%, đem lại lợi nhuận không nhỏ cho HTX.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc HTX cho biết: Sau khi được chứng nhận OCOP, thị trường chè của HTX được mở rộng ra thêm nhiều tỉnh, thành, đồng thời nằm chung kệ hàng với sản phẩm chè từ các vùng chè nổi tiếng khác. Từ lợi ích mang lại, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, nâng cao quy trình sản xuất để được nâng hạng lên sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Trong năm 2022, huyện Định Hóa hỗ trợ cho 15 sản phẩm đặc trưng của 14 HTX, doanh nghiệp, hộ kinh doanh xây dựng sản phẩm OCOP. Trong đó, sản phẩm đăng ký chủ yếu là các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Chè, gạo bao thai, gạo J02, đũa cọ, mỳ gạo…

Để Chương trình đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, UBND huyện đang hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất xây dựng sản phẩm OCOP chuẩn hóa theo chu trình 6 bước.

Các ngành chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con trong việc chuyển đổi hình thức sản xuất từ nhỏ lẻ, thủ công sang sản xuất tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc, chú trọng khâu chăm sóc, đảm bảo các sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm...

Ông Ma Đình Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Mặc dù huyện Định Hóa đạt được những kết quả bước đầu trong việc xây dựng sản phẩm OCOP, song chúng tôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do năng lực quản trị của các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP còn yếu; người dân thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị… Bởi thế, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát thực tế hoạt động sản xuất, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất; đối thoại để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đưa ra lộ trình cụ thể để hoàn thiện từng sản phẩm…